A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bàn in “PHI” của thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Ngày 20/5/1996, ông Bùi Hữu Quỳ - nguyên chiến sĩ tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu đã giao chiếc bàn in “PHI” cho Bảo tàng Quân khu Thủ đô (nay là Bảo tàng Chiến thắng B.52). Bàn in làm từ gỗ và đất sét, có kích thước 40x50cm, cao 5,3cm và nặng 3,8kg, hiện đang trưng bày tại khu vực LLVT Thủ đô Hà Nội (giai đoạn 1930 – 1945). Đây là chiếc bàn in mà ông Quỳ cùng các hội viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu in rất nhiều truyền đơn, áp phích, tranh cổ động… ủng hộ Việt Minh tại thôn Giáp Nhị, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội vào năm 1945.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, kẻ thù lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Thực hiện chủ trương của Đảng, cao trào chống Nhật cứu nước dấy lên mạnh mẽ và lan rộng tạo tiền đề cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Một trong những phương pháp đấu tranh hiệu quả thời đó là tuyên truyền miệng và thông qua báo chí, rải truyền đơn, dán áp-phích…

Đầu năm 1945, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tìm mua được ở cuối phố Lê Lợi (phố Bà Triệu ngày nay) một chiếc bàn in “PHI” (viết tắt của 3 chữ tiếng Pháp: “Pierce Humide Indochinoise”) đưa về cơ sở in bí mật đặt ở Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân ngày nay) để in báo Hồn Nước - cơ quan ngôn luận của Đảng. Nhưng khuôn khổ bàn in nhỏ không đủ một trang báo lại chỉ in được ít bản (nhiều nhất 20 bản) mỗi lần in. Từ tháng 5/1945 bàn in “PHI” được một đội viên tự vệ chiến đấu giả làm người đi cắt cỏ gánh từ Mọc Quan Nhân về thôn Giáp Nhị (nay thuộc xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) để in tài liệu tuyên truyền.

Ngày 17/6/1945, theo Chỉ thị của Thành đoàn Hoàng Diệu, các đoàn viên, thanh niên cứu quốc ở Thịnh Liệt đã cử một số đoàn viên tham gia các cuộc mit - tinh do bọn Việt Nam quốc dân Đảng phát động. Có thể nói, phong trào kháng Nhật cứu nước ở Thịnh Liệt đã lên cao nhất là từ khi Mặt trận Việt Minh đã có cơ sở chỉ đạo phong trào cách mạng của quần chúng sâu rộng ở các tỉnh.

Bàn in “PHI” là phương tiện in thô sơ nhất trong việc in ấn của nước ta lúc bấy giờ. Đây là sản phẩm được người dân Hà Nội sản xuất thủ công, chưa được phổ biến rộng rãi vì thực dân Pháp và phát xít Nhật kiểm soát chặt chẽ phương tiện in ấn. Khi in phải viết chữ ngược hoặc vẽ tranh bằng mực tím để in từng bản một. Từ chiếc bàn in thô sơ này, các hội viên cứu quốc đã in và dán các khẩu hiệu, tranh cổ động, áp-phích phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền theo chủ trương của trên với các nội dung ủng hộ Mặt trận Việt Minh, chống quân xâm lược, kêu gọi đấu tranh vì độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân…trong đó có cả sơ đồ khu giải phóng Việt Bắc. Quần chúng cách mạng đặc biệt phấn khởi khi được xem tranh cổ động, sơ đồ khu giải phóng dán khắp các tường làng. Những tài liệu đó đã góp phần huy động đông đảo đồng bào vùng lên cùng anh em tự vệ chiến đấu, khởi nghĩa giành chính quyền làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công.

TRÚC ANH


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 163 trong 33 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 6
Tháng 04 : 2.196
Năm 2024 : 7.276