A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chiếc gậy Trường Sơn

Các cụ phụ lão tặng gậy Trường Sơn cho thanh niên lên đường nhập ngũ

“Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân

Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn…”

Đã là người con sống trên dải đất hình chữ S, đặc biệt là thế hệ từng sống trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không ai là không biết đến hình ảnh chiếc gậy Trường Sơn gắn liền với những câu hát dung dị, hào sảng của người nhạc sĩ tài năng-Phạm Tuyên. Bảo tàng Chiến thắng B.52 tự hào vì đang lưu giữ và trưng bày 2 trong số 3 chiếc gậy Trường Sơn huyền thoại, khởi nguồn của một phong trào thi đua lên đường nhập ngũ nơi hậu phương một thời lịch sử.

Xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội được gọi là quê hương của chiếc gậy Trường Sơn. Năm 1965, nơi đây đã tiễn 3 người bạn thân lên đường vào Nam chiến đấu là ông Phùng Văn Quán, ông Đỗ Tít và ông Lưu Tiến Long. Khoác trên vai ba lô nặng 25kg, đường rừng Trường Sơn hiểm trở, vì nhiệm vụ phải khẩn trương ra mặt trận nên bộ đội chỉ được tạm nghỉ, tức là nghỉ đứng không bỏ ba lô xuống. Ông Quán đã có sáng kiến làm 1 chiếc gậy dài khoảng 1,2m từ cành cây rừng; thân tròn, đường kính cầm vừa tay để đỡ ba lô khi tạm nghỉ và giúp bước chân hành quân thêm vững chắc. Thấy hiệu quả, 2 người bạn ông cũng áp dụng ngay, chặt đoạn trúc bên đường làm gậy. Đồng đội cũng hưởng ứng và lan rộng ra các đơn vị bạn. Lúc rảnh rỗi, 3 ông dùng dao tỉ mỉ khắc lên 3 cây gậy tên tuổi, địa danh đơn vị đi qua và dòng khẩu hiệu thể hiện ý chí của những người lính xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước như “Fùng Quán”, “Hòa Bình”, “Thà quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…Khi vào đến chiến trường, chuẩn bị ra trận, 3 ông đã gửi đồng hương 3 cây gậy về cho gia đình để báo tin 3 ông vẫn còn sống và sẽ anh dũng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Thật kỳ diệu, 3 chiếc gậy được gửi về Hòa Xá không chỉ là niềm an ủi đối với gia đình 3 người lính mà còn làm dấy lên phong trào động viên, huấn luyện tân binh, rèn luyện sức khỏe của lớp thanh niên 17, 18 tuổi khắp 9 xóm của xã Hòa Xá, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Phong trào lan tỏa sâu rộng với những khẩu hiệu đầy khí thế thi đua: “Tiền tuyến cần 1, Hòa Xá đã có 2”, “Vai mang 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt núi băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ”…Từ đó, trong hành trang lên đường đánh giặc của thanh niên Hòa Xá luôn có 1 chiếc gậy được đẽo gọt chắc chắn do các bô lão trong làng trao tặng khắc dòng chữ nhắn nhủ ân tình thân thiết: “Gậy này là gậy Trường Sơn/Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân”.

Năm 1976, trong một lần về Hòa Xá công tác, nhạc sĩ Phạm Tuyên biết được câu chuyện và phong trào gậy Trường Sơn đã vô cùng xúc độngvà viết lên ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” nổi tiếng với những câu hát vang vọng khắp núi rừng Trường Sơn: “…Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình. Cho gậy mòn dốc núi vẫn luôn giữ tấm lòng son. Sức trẻ đi cứu nước vững vàng hơn dãy Trường Sơn”. Khi nghe được bài hát này trên sóng radio, ông Phùng Văn Quán rất đỗi tự hào và như được tiếp thêm sức mạnh từ hậu phương. Và cũng từ đây, chiếc gậy Trường Sơn không dừng lại ở Hòa Xá mà đã trở thành hình ảnh tượng trưng của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam sẵn sàng hy sinh tuổi xuân chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, vì một Việt Nam thống nhất non sông, đất nước.

                                                                                                 TRÚC ANH


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 353 trong 71 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 61
Tháng 04 : 2.251
Năm 2024 : 7.331