A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đầu chít khăn tang bên mâm pháo anh hùng

Nét mặt đau buồn nhưng đôi mắt ánh lên sự cương nghị, vài sợi tóc bị gió thổi vướng lên má cô gái trẻ đôi mươi, trên đầu là dải khăn tang hiên ngang bên mâm pháo…Bức ảnh chân dung đen trắng đó đã níu bước chân của bao du khách đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng B52. Cô gái trẻ trong bức ảnh là chiến sĩ tự vệ Phạm Thị Viễn, Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng, đơn vị bắn rơi máy bay F111A của Mỹ ngày 22/12/1972.

Bà Viễn sinh năm 1951, là công nhân thợ nguội Nhà máy Cơ khí Mai Động. Năm 1967, giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc. Trong một lần máy bay địch rải bom xuống khu vực quận Hoàng Mai, mẹ bà chết vì trúng bom, bản thân bà Viễn cũng bị thương ở cổ. Gia đình bà có 7 anh chị em, bà là con thứ hai. Khi mẹ mất, anh trai cả đang tham gia chiến trường miền Nam, em trai út mới lên 4 tuổi. Biến đau thương thành hành động, năm 1968, bà xung phong vào Đội tự vệ của Nhà máy, vừa sản xuất vừa trực chiến.

Từ ngày 18/12/1972, khi đế quốc Mỹ dùng B52 rải thảm xuống Thủ đô, bà Viễn mất nốt người cha, điểm tựa cuối cùng của cả gia đình. Nén nỗi đau, bà cùng đồng đội trong Đội tự vệ tham gia trực chiến trên trận địa cả ngày lẫn đêm, trên đầu vẫn đội khăn trắng tang cha. Hỏa lực của Trung đội là hai khẩu súng máy cao xạ 14,5mm với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu phía Nam Thành phố trước sự tiến công của các máy bay chiến thuật của Mỹ. Lực lượng nòng cốt gồm Khẩu đội trưởng Thái Văn Quang và các chiến sĩ: Phạm Thị Viễn, Đỗ Thị Dần, Ngô Thị Hiếu, Đặng Văn Sinh, Nguyễn Văn Trung. Trận địa đóng tại Vân Đồn, ngoài bãi sông Hồng, cùng với tự vệ Nhà máy Gỗ Hà Nội và Nhà máy Cơ khí Lương Yên hợp thành Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng. Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 22/12, máy bay địch tiến vào, cách Hà Nội 80km. Khi máy bay vào tầm ngắm, cả Liên đội đồng loạt nổ súng, hạ một chiếc F111A.

Mấy ngày sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu đến thăm trận địa pháo. Câu chuyện cảm động của cô pháo thủ chiến đấu bên mâm pháo khi trên đầu vẫn quấn khăn tang khiến nhà thơ Tố Hữu hết sức xúc động, đã viết tặng bà 4 câu thơ trong bài thơ nổi tiếng “Việt Nam máu và hoa”:

“…Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu

Hỡi em gái mất cha mất mẹ

Nước mắt rơi, làm nhoà mặt quân thù

Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ…”

Cũng trong dịp này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo đã chụp cho bà một bức chân dung nhưng phải 30 năm sau, ông Bảo mới gặp được bà để tặng, đó cũng chính là bức ảnh gốc của bức ảnh bà tặng cho Bảo tàng Chiến thắng B52 năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Nội-Điện Biên Phủ trên không. Cũng từ đây, câu chuyện xúc động năm xưa của nữ pháo thủ Phạm Thị Viễn khi mới đôi mươi không thể thiếu trong lời giới thiệu về khu trưng bày chuyên đề Nội Điện Biên Phủ trên không. Ánh mắt kiên cường và tinh thần chiến đấu của bà đã trở thành điển hình cho lớp trẻ Thủ đô của một thời vừa đau thương vừa anh dũng.

 

TRÚC ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 494 trong 99 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 81
Tháng 04 : 2.174
Năm 2024 : 7.254