A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Mũ rơm Việt Nam

 

Trong chiếc tủ kính trưng bày những vật chứng còn sót lại ở phố Khâm Thiên sau trận B-52 rải thảm bom thảm khốc đêm 26/12/1972 tại Bảo tàng Chiến thắng B-52; bên cạnh chiếc đèn bão, bút máy, ê ke, sách giáo khoa, vở viết… của các cháu học sinh bị bom Mỹ giết hại có một chiếc mũ rơm đã ngả màu nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Đây là một trong những hiện vật mang lại rất nhiều cảm xúc cho khách tham quan, nhất là những người đã từng một thời đội mũ rơm đến trường. 

Mũ rơm là một trong những phát kiến trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Trong những năm tháng chiến đấu với không lực Mỹ, lưới lửa phòng không của quân và dân ta được thiết lập. Mỗi khi có máy bay địch đến bắn phá, đạn cao xạ bắn lên chống trả quyết liệt, ban đêm nhìn như một xẻng cát hắt lên trời. Mảnh đạn cao xạ và bom bi rơi xuống có thể gây sát thương, nhất là các em nhỏ. Mũ rơm được sử dụng rộng rãi từ đó, chủ yếu cho học sinh. 

Mũ rơm giúp hạn chế các mảnh đạn và bom bi lan rộng, nếu có rơi trúng thì đạn thì cũng kẹt trong nón, không thể gây sát thương. Nó là công cụ thô sơ nhưng hiệu quả, được làm đơn giản bằng cách bện từ các sợi rơm rồi uốn theo hình nón, có nhiều cỡ cho từng lứa tuổi. Ngoài mũ rơm, các em còn được cha mẹ trang bị cho những nùn rơm nhỏ đeo sau lưng giống như cái khiên để bảo vệ thân thể. Những sợi rơm vàng thân thuộc đó đã trở thành hành trang cùng các em tới trường và hình ảnh học sinh miền Bắc đội mũ rơm đi học đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong chiến tranh Việt Nam.

Chiếc mũ rơm nhắc mọi người nhớ về một thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc, trẻ em đến trường với hành trang mũ rơm, sách vở, cuốc xẻng, đồ cứu thương để sẵn sàng đào hầm cá nhân trú ẩn và sơ cứu khi bản thân và bạn bè bị thương. Lớp học với bàn ghế đơn sơ cũng được lợp thêm 1 lớp rơm dày để chống mảnh bom đạn. Bên cạnh những bài học trong sách giáo khoa, thầy cô dạy thêm cho học sinh cách đan mũ rơm sao cho chặt tay, dày, đẹp; cách di chuyển nhanh chóng vào hầm trú ẩn khi có báo động và cách cầm máu, băng bó vết thương. Mũ rơm không chỉ là “chiếc hầm di động”, là áo giáp bảo vệ những bộ óc của tương lai mà còn là hình ảnh nhận diện trẻ em Việt Nam ngoan ngoãn, lạc quan, yêu đời, thích nghi tốt với hoàn cảnh. Thật kỳ diệu khi một sản phẩm quen thuộc của nền nông nghiệp lúa nước lại phát huy hiệu quả khi chống lại vũ khí tối tân, hiện đại.

Tại Bảo tàng Chiến thắng B-52, chiếc mũ rơm bé nhỏ còn nhắc về tội ác dã man của đế quốc Mỹ với vệt bom hủy diệt kéo dài 1km đêm 26/12/1972 đã giết hại 287 người dân phố Khâm Thiên, khiến 290 bị thương, 178 em bé thành trẻ mồ côi. Một chiếc mũ rơm rơi xuống là thêm một em bé Hà Nội bị bom đạn cướp đi mạng sống, điều đó càng làm tăng thêm ý chí quyết tâm chiến đấu của quân dân Thủ đô để giành lại hòa bình cho thế hệ sau.

 TRÚC ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 443 trong 89 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 58
Tháng 04 : 1.692
Năm 2024 : 6.772