A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Những tờ truyền đơn cách mạng

Truyền đơn là cách thức tuyên truyền chính trị có từ xa xưa nhưng chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (1930) và bắt đầu hành trình lịch sử cách mạng vẻ vang của mình, truyền đơn mới được sử dụng nhiều và có hiệu quả cao. Ở Hà Nội, sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), những hoạt động kháng Nhật cứu nước, chuẩn bị khởi nghĩa càng trở nên mạnh mẽ. Những đội viên của Ðoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã có nhiều quyết tâm và sáng tạo trong công tác in và rải truyền đơn, gây thanh thế cho cách mạng.

Theo đồng chí Lê Ðức Vân, người trực tiếp phụ trách phong trào cách mạng của thanh niên Hà Nội thời đó thì rải truyền đơn được coi như những hành động đầu tiên thử thách lòng dũng cảm và mưu trí của đoàn viên Ðoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu trước khi được giao những nhiệm vụ khác khó khăn hơn. Các thanh niên đã sáng tạo ra nhiều cách rải truyền đơn khiến kẻ địch bất ngờ, không kịp đối phó như truyền đơn còn được bí mật để sẵn trên nóc ôtô, xe chạy là bay khắp phố hay được cài vào ngăn bàn ở các trường học. Các cuộc diễn thuyết tuyên truyền trên tàu điện tuyến Hà Nội – Hà Ðông hay tại rạp Quảng Lạc (trên phố Tạ Hiện) được tổ chức rất bài bản. Diễn thuyết xong là truyền đơn được tung ra, anh em đoàn viên lợi dụng lúc lộn xộn để rút lui an toàn.

Những tờ truyền đơn ban đầu chỉ được in thạch, số lượng ít và hình thức xấu. Sau này truyền đơn được in li – tô (in trên đá) đẹp hơn và năng suất cao hơn nhiều nhưng cũng rất vất vả. Các đồng chí cách mạng phải bí mật mua đá in và mực in từ các cơ sở nhà in và thực hiện nhiều công đoạn in khá phức tạp. "Nhà in" cũng phải bí mật tuyệt đối, thường là một gian buồng được chủ nhà nuôi giấu cũng có khi là chòi lá giữa cánh đồng để tránh mật thám và phải thay đổi địa điểm liên tục. Lúc phong trào cách mạng chưa mạnh, các cơ sở in đặt ở các làng ngoại thành. Gần đến ngày khởi nghĩa, Ðoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu đã có cơ sở cách mạng ở Nhà in Giang Tả (một nhà in tư nhân) trên phố Mai Hắc Ðế ngày nay, táo bạo in truyền đơn ban đêm bằng máy in, dùng luôn giấy in còn dư sau khi in cuốn từ điển Nhật – Việt theo hợp đồng vào ban ngày. Hiến binh Nhật đã phát hiện việc này nhưng anh em đã mưu trí bảo vệ được nhà in. Những tờ truyền đơn tiếp tục được in và rải ở nhiều nơi trong Hà Nội và có đóng góp nhất định trong Cách mạng Tháng Tám của Thủ đô.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam là nơi gìn giữ hàng trăm các tờ truyền đơn phản ánh các giai đoạn, sự kiện lịch sử quan trọng nhất trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản, từ những tổ chức tiền thân đến quá trình vận động và thành lập Đảng, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), thời kỳ phục hồi và phát triển cách mạng (1932 – 1935), cao trào dân chủ (1936 – 1939) cho đến thời kỳ tiền khởi nghĩa tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Bảo tàng Chiến thắng B – 52 cũng đang trưng bày 1 tờ truyền đơn của Việt Minh kêu gọi đồng bào vùng lên phá kho thóc của phát xít Nhật cứu đói.

Ngôn ngữ biểu đạt trên truyền đơn thường rất ngắn gọn, lời văn mộc mạc, chân thành, những khẩu hiệu đơn giản, dễ hiểu...nhưng sức mạnh truyền cảm của nó vô cùng to lớn. Những tờ truyền đơn có lúc như lời tâm tình vận động, có lúc như lời thuyết phục đanh thép, lại có lúc như hồi kèn xung trận hay một mồi lửa thả vào giữa một đồng cỏ khô...Những tờ truyền đơn với hình thức khiêm nhường như là một tờ giấy bé nhỏ, đôi khi thô ráp, những dòng chữ tuy còn nguệch ngoạc nhưng để làm ra nó, truyền bá nó, các nhà cách mạng tiền bối đã đặt vào đó lòng yêu nước, yêu cách mạng, lòng dũng cảm và niềm hy vọng Cách mạng Tháng Tám thành công.

TRÚC ANH


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 159 trong 32 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 20
Tháng 12 : 2.371
Năm 2024 : 24.934