Pháo cao xạ 100mm của tự vệ Đống Đa
Trong khu vực trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Chiến thắng B52, khẩu Pháo cao xạ 100mm KS19 có trọng lượng 8,6 tấn; độ dài khoảng 10m; độ rộng 2,45m thu hút sự chú ý của du khách bởi kết cấu hoành tráng và dòng chú thích: “Tự vệ khu phố Đống Đa sử dụng tham gia chiến đấu bắn rơi một máy bay F8A của Mỹ ngày 11/9/1972 bằng 14 viên đạn”.
Pháo cao xạ 100mm KS19 chế tạo từ năm 1949 để bắn máy bay ném bom tầm cao, có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không ở tầm bắn hiệu quả 13.700 mét, tối đa là 15.000 mét. Cuối năm 1964 Liên Xô trang bị cho ta và được quân dân ta sử dụng hiệu quả trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Từ ngày 9/5/1972, tập đoàn Nixon tăng cường chiến tranh, tiến hành chiến dịch Linebacker I. Ngoài việc duy trì các hoạt động nhỏ lẻ ban ngày và ban đêm săn đuổi bắn phá các đoàn tàu, trận địa tên lửa của ta…dần dần chúng tổ chức những trận đánh lớn thọc sâu vào Thành phố. Ngày 2/9, hơn 40 lượt máy bay bắn phá sân bay Nội Bài và khu vực Đông Anh. Ngày 10/9, 50 lượt máy bay đánh phá cầu Long Biên, sân bay Gia Lâm và nhiều nơi khác.
Nhận định tình hình địch sẽ càng đánh sâu hơn vào nội thành, ngày 1/10/1972, đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội và 1 số đồng chí lãnh đạo đã kịp thời đến từng địa bàn, cơ sở để động viên anh em chuẩn bị tư thế SSCĐ đối phó với máy bay địch. Trong dịp này, đồng chí Trần Duy Hưng đến quận Đống Đa và gặp gỡ, thăm hỏi, động viên lực lượng dân quân tự vệ của quận. Đồng chí Bùi Huy Trường, Đại đội trưởng Đại đội Pháo cao xạ 100mm đã thay mặt anh em hứa sẽ đoàn kết, dũng cảm chiến đấu để bắn rơi nhiều máy bay địch.
Chỉ 10 ngày sau, lời hứa đã được thực hiện. Trưa ngày 11/10/1972, khi máy bay địch từng tốp bắn phá trung tâm Thành phố, trận địa Pháo cao xạ 100mm của tự vệ khu phố Đống Đa đã kịp thời nổ súng bắn tan xác một máy bay F8A của không quân Mỹ chỉ bằng 14 viên đạn. Chiến công này làm nức lòng nhân dân phu phố, được cấp trên khen ngợi và là niềm tự hào của lực lượng pháo tầm cao đồng thời góp phần vào thành tích chung của Thủ đô bắn rơi 63 máy bay kể từ khi Nixon phát động trở lại cuộc chiến tranh, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
TRÚC ANH