A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Súng máy phòng không 14,5mm của tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển

 

Đang trưng bày trong khu vực ngoài trời của Bảo tàng Chiến thắng B.52, khẩu súng máy phòng không 14,5mm loại 2 nòng (số 130101) do Trung Quốc sản xuất năm 1958 đã góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” bởi sự kiện: Tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển bắn rơi 1 máy bay “con ma” F.4 của Không quân Mỹ bằng 24 viên đạn vào hồi 8 giờ 55 phút ngày 27/6/1972.

Để thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là trực tiếp sản xuất và SSCĐ bảo vệ bầu trời Hà Nội khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, lực lượng tự vệ Nhà máy Phân Lân Văn Điển được thành lập từ năm 1965, biên chế thành 1 đại đội SSCĐ bằng súng bộ binh với 3 khẩu đội trong 1 trận địa súng máy 14,5mm, có nhiệm vụ bắn máy bay bay thấp. Súng máy phòng không 14,5mm 2 nòng nặng khoảng 750kg, có tốc độ bắn 1.000-2.000 viên đạn/phút, tầm bắn xa nhất là 8.000m, cự ly hiệu quả dưới 1.500m.

Tháng 4/1972, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch Linebacker II. Cuối tháng 6 năm 1972, những trận đánh ác liệt lại tiếp diễn ở phía Bắc và Nam Hà Nội. Từ 8 giờ sáng ngày 26-27/6, hàng chục tốp máy bay Mỹ lần lượt tấn công, ném bom các địa điểm: Sân bay Bạch Mai, Trương Định, khu công nghiệp Thượng Đình, Văn Điển, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Viên…và nhiều nơi khác. Hàng trăm trận địa cao xạ của quân chủ lực và dân quân tự vệ Thủ đô đã nổ súng đánh trả dữ dội khiến máy bay địch phải giãn đội hình và nâng độ cao, ném bom không trúng mục tiêu. Trong khi đó, 5 Tiểu đoàn Tên lửa của Sư đoàn Phòng không 361 phát huy hiệu quả, đánh địch tầm cao. Đặc biệt, lúc 9 giờ 15 phút ngày 26/6, Tiểu đoàn 57 Tên lửa từ thành Cổ Loa đã hạ tại chỗ 1 máy bay F.4E (chiếc máy bay Mỹ thứ 3.700 bị hạ trên bầu trời miền Bắc), phi công bị bắt sống. Tiếp theo, Tiểu đoàn 59 Tên lửa bắn rơi 1 máy bay F.4E khác, giặc lái bị bắt sống ở Hòa Bình.

Bị bắn rơi ở tầm cao, địch thay đổi thủ đoạn, bất ngờ hạ độ cao thọc sâu vào nội thành. 8 giờ 55 phút ngày 27/6/1972, phát hiện máy bay địch, trận địa súng máy phòng không 14,5mm của tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển bố trí tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì do Trung đội trưởng Vũ Sự chỉ huy đã kịp thời nổ súng, bằng 24 viên đạn đã bắn tan xác 1 “con ma” F.4 của Mỹ, rơi xuống phía Đông Thành phố.

Máy bay F.4 Phantom II được mệnh danh là “con ma” bởi nó là máy bay tiêm kích hiện đại nhất thời đó của Không quân Mỹ, có tổ lái 2 người, tầm bay 2.600km, vận tốc tối đa 2.350km/h, có thể mang 7 tấn bom. F4 có nhiệm vụ yểm trợ cho B.52 và đánh phá các trận địa tên lửa, pháo phòng không của ta nhưng trớ trêu thay, “con ma” này cũng bị “biến thành ma” nhiều nhất với 445 chiếc bị quân ta loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó 392 chiếc bị bắn hạ, còn lại trục trặc kỹ thuật, hư hỏng không thể sử dụng. Trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, tiêm kích F.4 cũng là máy bay bị bắn hạ nhiều nhất trên bầu trời Thủ đô.

TRÚC ANH


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 269 trong 54 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 41
Tháng 07 : 2.088
Năm 2024 : 14.884