A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Súng máy phòng không của tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên

Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm Liên đội Tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng, đơn vị bắn rơi F111-A của Mỹ đêm 22/12/1972
 
Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm Liên đội Tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng,
đơn vị bắn rơi F111-A của Mỹ đêm 22/12/1972

Trong sân Bảo tàng Chiến thắng B52, một khẩu súng máy phòng không 14,5mm loại 1 nòng do Liên Xô sản xuất được đặt ngay ngắn bên cạnh lối vào, tạo ấn tượng ban đầu cho khách tham quan về Chiến thắng oanh liệt Hà Nội-Điên Biên Phủ trên không của quân dân Thủ đô. Đây là khẩu súng mà Khẩu đội súng máy phòng không tự về Nhà máy Cơ khí Lương Yên đã sử dụng, phối hợp với liên đội tự vệ Xí nghiệp Gỗ Hà Nội, Nhà máy Cơ khí Mai Động, tại trận địa Vân Đồn, bằng 19 viên đạn đã bắn rơi 1 máy bay F111 của Mỹ ngày 22/12/1972. 

Từ 18-21/12/1972, Mỹ đã sử dụng 151 lần B52 và 879 lần máy bay chiến thuật ném bom bắn phá dã man các khu đông dân ở Hà Nội nhằm gây sức ép với ta tại Hội nghị Pa-ri mà chúng gọi là “Kế hoạch cứu bóng trước khung thành”. Ngoài B52, F4, F105, địch còn sử dụng máy bay F111 bay thấp đánh bổ sung cho B52 vào ban đêm. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô quyết định thành lập Đại đội Súng máy phòng không 14,5mm; cử đồng chí Thiếu tá Hoàng Minh Giám là Đại đội trưởng. Đại đội có 5 khẩu súng máy phòng không của tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Cơ khí Lương Yên và Xí nghiệp Gỗ Hà Nội thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội. Đại đội được bố trí ở bãi cát Vân Đồn, phía Bắc cảng sông Hồng có nhiệm vụ: Phục kích, đón bắn máy bay bay thấp dọc sông Hồng; hiệp đồng với các đơn vị phòng không trên địa bàn bắn máy bay bay thấp và bổ nhào bảo vệ Hà Nội, Bệnh viện Việt-Xô, Viện Quân y 108, Nhà máy Xay, cảng…

20 giờ ngày 22/12, máy bay B52 không bay vào Hà Nội nhưng F111 bắt đầu xuất hiện, cách Hà Nội 100km đã bị quân ta xác định đường bay. 20 giờ 5 phút, Đại đội trưởng Hoàng Minh Giám báo cáo Sở chỉ huy: Người và vũ khí đã sẵn sàng chiến đấu. 20 giờ 12 phút, Đại đội trưởng thông báo toàn trận địa tình hình địch trên không và tăng cường quan sát, chú ý càng gần Hà Nội máy bay càng hạ thấp độ cao. 20 giờ 17 phút, anh ra lệnh cho các khẩu đội hướng về hướng Bắc, chân đạp trên bàn cò, mắt tập trung cao độ sẵn sàng chiến đấu. Trong ánh trăng mờ, mục tiêu xuất hiện, dường như các chiến sĩ đồng loạt hô “máy bay”. Khi toán máy bay vào đúng cự ly quân ta đã tính toán sẵn, Đại đội trưởng ra lệnh “bắn”, các khẩu đội đồng loạt nổ súng, F111 bốc cháy trên trời đêm, lúc đó là 20 giờ 18 phút. 

Chiếc máy bay F111 trúng đạn đêm đó đã rơi trên khu vực huyện Lương Sơn, Hòa Bình, hai tên giặc lái đã bị quân dân Hòa Bình bắt sống. Trong trận này, các đồng chí Nguyễn Thị Hiếu, Nguyễn Văn Hải, Bùi Mai, Nguyễn Hùng, Phạm Thị Viễn là những khẩu đội trưởng và xạ thủ xuất sắc, đã nổ súng kịp thời và chính xác. Trận đánh tiêu diệt F111 đầu tiên của tự vệ Thủ đô được cấp trên đánh giá cao. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã xuống tận trận địa động viên, tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ tự vệ. 

Tháng 11/1987, súng máy phòng không 14,5mm của tự vệ Nhà máy cơ khí Lương Yên đã được Ban CHQS quận Hai Bà Trưng giao cho Bảo tàng Chiến thắng B52 quản lý và hiện được trưng bày ngoài trời, cạnh xác một chiếc B52 đã bị bắn hạ.

 

TRÚC ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 408 trong 82 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 39
Tháng 04 : 2.229
Năm 2024 : 7.309