A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Xác B-52 - Minh chứng thất bại thảm hại

Các mảnh xác máy bay B-52 của Mỹ bị quân dân Hà Nội bắn rơi trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 đã được thu gom và xếp đặt theo hình dạng vốn có với thân dài 49,05m, sải cánh 56,39m. Đây là minh chứng cho thất bại thảm hại của Mỹ trong trận Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, hiện đang được trưng bày trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Chiến thắng B-52. 

Gần 50 năm trôi qua, các mảnh xác máy bay đã ngả màu, vật liệu sắt thép đã bị nắng mưa làm gỉ sét nhưng khách tham quan vẫn có thể hình dung được sức hủy diệt khủng khiếp của loại vũ khí này. Máy bay ném bom B-52 còn được mệnh danh là siêu pháo đài bay B-52, là loại máy bay ném bom hạng nặng tầm xa, qua nhiều lần cải tiến có thể mang  bom tấn công với chiến thuật ném bom rải thảm, có sức hủy diệt trên diện rộng, được không lực Mỹ đưa vào sử dụng lần đầu năm 1952. Thường B-52 ít khi bay đơn lẻ mà kết hợp thành đội hình 3 chiếc, mỗi đợt ném bom có thể hủy diệt toàn bộ trong phạm vi diện tích 2,5km2. B-52 thường bay ở độ cao 9.000-12.000m, ở độ cao này những người bên dưới mục tiêu thường không thể nhìn thấy hay nghe thấy tiếng máy bay mà chỉ phát hiện khi loạt bom đầu tiên phát nổ. Do tính bất ngờ nên rất khó phòng tránh mà cũng rất khó thoát khỏi phạm vi oanh tạc ghê gớm của B-52. Báo chí Mỹ từng hết lời ca ngợi: “Sẽ không có một sinh vật nào tồn tại nổi dưới những trận mưa bom kinh khủng của B-52, đối phương sẽ bị hủy diệt về quân sự, khiếp đảm về tinh thần và cảm thấy hoan toàn bất lực trước sức mạnh tàn phá của B-52 mà không có cách gì chống đỡ nổi”. 

Trong chiến tranh Việt Nam, B-52 ném bom lần đầu ngày 18/6/1965 tại phía Tây Bắc Sài Gòn nhằm tiêu diệt căn cứ du kích nơi đây. Những chiếc máy bay B-52 ném bom trên lãnh thổ Việt Nam đã được nâng cấp để có thể hoạt động ở khí hậu Đông Nam Á và mang nhiều bom hơn so với thông thường, trung bình mỗi máy bay mang 108 quả bom tương đương 27 tấn. Chúng không xuất kích ở Việt Nam mà từ đảo Guam trên Thái Bình Dương hoặc căn cứ Utapao trên đất Thái Lan để tiến hành không kích trên lãnh thổ nước ta. Có ba đợt Mỹ huy động B-52 dữ dội nhất là trận Khe Sanh năm 1968, trận An Lộc và chiến trường Gia Lai năm 1972 và đặc biệt là đánh phá miền Bắc năm 1972. 

Ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon ban bố lệnh tiến công bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng, chiến dịch mang tên Linebacker II. Phía ta, sáng ngày 18/12/1972, Bộ Tổng Tham mưu điện cho các đơn vị: Cần đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm; Văn phòng Phủ Thủ tướng cũng điện cho các bộ, ngành và một số địa phương: Địch có thể ném bom Hà Nội, Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố. 19 giờ 10 phút ngày 18/12, các đài ra-đa cảnh giới thông báo B-52 đang bay hướng về Hà Nội, 12 ngày đêm khói lửa của quân dân Thủ đô anh hùng chính thức bắt đầu. 

Với lưới lửa phòng không dày đặc, bộ đội tên lửa, không quân, bộ đội ra-đa và các lực lượng phòng không ba thứ quân đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, chiến thắng oanh liệt, bắn rơi 81 chiếc máy bay của Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm phi công. Siêu pháo đài bay B-52, niềm tự hào của không lực Mỹ chính thức thất bại trên bầu trời Việt Nam như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói cuối năm 1967: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Ở Việt Nam Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

 

TRÚC ANH


Tổng số điểm của bài viết là: 454 trong 91 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 38
Hôm nay : 0
Tháng 04 : 2.002
Năm 2024 : 7.082