A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

[BTCT B52] Bảo tàng Chiến thắng B.52 nơi khắc họa Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

[BTCT B52] Bảo tàng Chiến thắng B.52

                                                                           Nơi khắc họa Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Đến tham quan Bảo tàng Chiến thắng B-52 nhiều lần, nhưng mỗi lần đều gợi lên trong tôi niềm tự hào, xúc động khi được tìm hiều về những hiện vật, tư liệu trưng bày tại đây. Nó giúp ta được sống lại một thời hào hùng, một thời mà cả nước hướng về Thủ đô yêu dấu với trận chiến 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Đó là hình ảnh về trận địa pháo phòng không 100mm, về những hiện vật của Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng, về sự quyết tâm đánh thắng không lực Mỹ của lực lượng Phòng không Không quân cũng như hình ảnh đau thương mất mát do bom đạn bắn phá ở phố Khâm Thiên... Tất cả được tái hiện một cách đầy đủ qua các phòng trưng bày, sa bàn địa lý, sa bàn điện tử.

Dẫn chúng tôi tham quan “Khu trưng bày ngoài trời”, Trung tá CN Phạm Thị Hoàng Vân, nhân viên tuyên truyền Bảo tàng Chiến thắng B-52 cho biết, những kỷ vật hiện đang được trưng bày ở đây đã tái hiện sinh động về một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp. Một thế trận đã tạo ra sức mạnh tổng hợp với “Máy bay-tầm cao; tên lửa-tầm trung; súng máy phòng không, súng cao xạ-tầm thấp” để đánh bại chiến dịch sử dụng “Pháo đài bay” B-52 bắn phá Hà Nội của đế quốc Mỹ. Xác “pháo đài bay B-52” với tỷ lệ 1:1, thân dài: 59,05m; sải cánh: 56,39m đang nằm dài trên mặt sân Bảo tàng khiến những du khách đến tham quan không khỏi kinh ngạc trước sức chịu đựng của một Hà Nội kiên cường dưới mưa bom bão đạn chiến tranh cũng như tinh thần đoàn kết chiến đấu của người Hà Nội.

Lên tầng hai tòa nhà trung tâm của Bảo tàng, du khách sẽ tham quan nội dung chính đề cập tới 12 ngày đêm khói lửa cuối tháng 12/1972, với rất nhiều hình ảnh, hiện vật cùng với các giải pháp trưng bày, ánh sáng mang tính khái quát về âm mưu của địch, sự tàn khốc của chiến tranh hủy diệt ở Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên, hình ảnh khắc phục hậu quả của máy bay địch bắn phá Hà Nội, hình ảnh quân và dân ta vượt lên nỗi đau, chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bắn hạ máy bay chiến lược B-52 và nhiều loại máy bay khác… Phần trưng bày sa bàn tổng hợp kết hợp với phim 3 màn hình, giới thiệu khái quát diễn biến Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972. Đó là hình ảnh: Bộ đội tên lửa anh hùng bắn rơi máy bay B-52; trận địa pháo phòng không 100mm của tự vệ khu phố Đống Đa đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ; hiện vật của Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng bắn rơi máy bay F.111A đêm 22/12/1972; Không quân nhân dân Việt Nam sẵn sàng cất cánh chiến đấu bảo vệ Thủ đô; máy bay B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội; cảnh đau thương tại khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai khi bị bom B-52 hủy diệt; hình ảnh ký kết Hiệp định Pari tháng 1/1973 và một Hà Nội khắc phục hậu quả chiến tranh, vươn lên trong thời kỳ đổi mới… Tất cả là những chiến tích lịch sử của một thời điểm đầy cam go quyết liệt, hy sinh to lớn.

Xác máy bay B.52 bị bắn hạ được trưng bày tại Bảo tàng

 

Đứng trước bức ảnh chân dung và những kỷ vật của phi công, anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân Thiều-người con của Hà Nội, chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Đêm 28/12/1972, Vũ Xuân Thiều được lệnh cất cánh đánh B-52 đang tiến vào Hà Nội. Và trên bầu trời Sơn La, bằng 2 quả đạn, Vũ Xuân Thiều đã bát B-52 đền tội nhưng anh cũng đã hy sinh ngay sau khi lập công. Và bức ảnh nữ tự vệ Hà Nội-cô Phạm Thị Viễn đầu quấn khăn tang (thờ bố mất trong trận B-52 rải thảm phố Khâm Thiên) vẫn kiên cường chiến đấu bên mâm pháo. Liên đội tự vệ của Nhà máy cơ khí Mai Động, Nhà máy cơ khí Lương Yên và Nhà máy gỗ Hà Nội của cô tham gia đã bắn rơi một máy bay F.111A đêm 22/12/1972. Những hình ảnh đó gợi trong tôi thật xúc động và tự hào.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá CN Trịnh Thị Khuyến Lương, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết: Bảo tàng Chiến thắng B-52 trực thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Bảo tàng được khánh thành ngày 22/12/1997, nhân kỷ niệm 25 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Bảo tàng thuộc loại hình lịch sử quân sự, trưng bày và giới thiệu về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, mà đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”-đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội. Bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời với diện tích 4.000m², trưng bày các vũ khí, khí tài mà quân, dân Thủ đô đã sử dụng và lập công cùng một số mảnh xác máy bay Mỹ, một xác máy bay B-52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Cùng với đó, Bảo tàng đã thu thập hồ sơ các di tích chiến thắng B-52 tiêu biểu ở Hà Nội, như: Di tích ghi dấu ấn của đế quốc Mỹ ở Khâm Thiên, di tích điểm B-52 rơi đầu tiên ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn; di tích Sở chỉ huy phòng không nhân dân; di tích trận địa phòng không ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng; các trận địa tên lửa bảo vệ trong 12 ngày đêm năm 1972... Đây có thể coi là bảo tàng độc đáo nhất thế giới, bởi chỉ ở Việt Nam mới có một bảo tàng dành riêng cho việc trưng bày chiến thắng máy bay B-52.

Để phục vụ khách tham quan và tạo cơ hội cho nhiều người dân trong và ngoài nước được biết đến Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng của Thủ đô, trong suốt những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng B-52 luôn mở cửa đón khách. Đặc biệt, trong tháng 12 này, cùng với tập trung công tác tuyên truyền, giới thiệu tại Bảo tàng, cán bộ, nhân viên Bảo tàng còn tổ chức đợt triển lãm lưu động với chủ đề “Thành tựu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVT nhân dân” tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, Bảo tàng luôn bổ sung, thay thế những hiện vật cố định và làm mới các hệ thống ảnh dương bản, hệ thống trưng bày liên hoàn; nâng cao chất lượng hệ thống chiếu phim sa bàn, bổ sung phụ đề tiếng Anh phục vụ khách nước ngoài, để khách tham quan hiểu rõ hơn về nội dung trong chiến dịch 12 ngày đêm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 520 trong 107 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 23
Tháng 04 : 2.213
Năm 2024 : 7.293