A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ HIỆN VẬT  CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG 1972”

 

 

                                                                    Thượng tá Nguyễn Văn Quý

Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B-52,Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

 

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng12 năm 1972 đã đi vào lịch sử của dân tộc như một “thiên hùng ca bất tử”, thể hiện sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, là chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam bắt nguồn từ đường lối đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chính phủ, khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của Lực lượng vũ trang nhân dân hạ gục uy danh Không lực Hoa kỳ, thắng lợi của Chiến dịch là sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển nghệ thuật quân sự, nghệ thuật Chiến dịch Việt Nam hiện đại. Bản hùng ca 12 ngày, đêm của quân dân miền Bắc nói chung và của quân dân Hà Nội anh hùng nói riêng đã in dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mở đầu cho mùa xuân đại thắng năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Năm 1972, với những thất bại nặng nề trên cả hai chiến trường Nam, Bắc, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn, để cứu vãn tình thế, đế quốc Mỹ đã liều lĩnh thực hiện chiến dịch Linebacker II, huy động lực lượng lớn không quân và hải quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, trọng tâm là Hà Nội, Hải Phòng, nhằm mục tiêu chiến lược: Phá hủy nặng nề tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, cắt đứt sự chi viện từ các nước xã hội chủ nghĩa đến miền Bắc, ngăn chặn tối đa sự chi viện về người, vũ khí, phương tiện, vật chất của miền Bắc cho chiến trường miền Nam, qua đó giảm bớt sức ép lên quân đội Sài Gòn đang suy sụp sau các đòn tiến công của Quân Giải phóng tại mặt trận Trị - Thiên, Lộc Ninh và Bắc Tây Nguyên; thông qua tàn phá hủy diệt trên diện rộng để biểu dương sức mạnh quân sự của Mỹ nhằm uy hiếp, gây hoang mang, rối loạn trong nhân dân Việt Nam, từ đó tác động đến quyết tâm của lãnh đạo phía Việt Nam; động viên tinh thần cho quân đội Ngụy Sài Gòn, đồng thời gây sức ép mạnh với ta trong đàm phán để có thể ký kết hiệp định Paris trên thế mạnh, buộc ta phải chấp nhận yêu sách vô lý, sửa đổi nhiều điểm có lợi cho Mỹ và chính quyền Ngụy Sài Gòn.

Trong chiến dịch này, đế quốc Mỹ sử dụng 193 máy bay B52, gần 1.000 máy bay khác (bằng 50% tổng số máy bay B52 và 38% tổng số máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ); thành lập Bộ Chỉ huy Sư đoàn không quân chiến lược lâm thời số 57 để chỉ huy chung 3 liên đội máy bay B52 ở đảo Guam - Thái Bình Dương và U-ta-pao, Tác-ly - Thái Lan, đồng thời điều động thêm 2 tàu sân bay và 2 tàu khu trục dẫn đường vào vịnh Bắc Bộ tập trung đánh phá miền Bắc, mà chủ yếu là Hà Nội - Hải Phòng.

Về phía ta tham gia chiến dịch phòng không gồm có: 6 trung đoàn tên lửa, 14 trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo cao xạ, 3 Trung đoàn không quân tiêm kích, 4 Trung đoàn và 1 Tiểu đoàn ra đa, 356 trận địa phòng không của Dân quân tự vệ trang bị súng trung liên, đại liên và pháo cao xạ 100 ly.  Riêng lực lượng bảo vệ Hà Nội, khu vực mục tiêu chủ yếu là Sư đoàn 361 gồm 3 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo cao xạ, một số tàu của Hải quân có hỏa lực phòng không bố trí dọc sông Hồng, tăng cường bảo vệ các mục tiêu từ cảng qua cầu Long Biên. Hỏa lực của Dân quân tự vệ Hà Nội có 4 Đại đội súng máy cao xạ 100 ly (20 khẩu), 92 trận địa súng máy cao xạ 14,5 ly, hơn 100 trận địa súng máy 12,7 ly, đại liên, trung liên, cùng với 40.000 tay súng trường, tiểu liên, súng cối DKZ, sẵn sàng cơ động đánh địch đổ bộ đường không và truy lùng giặc lái Mỹ nhảy dù. Bên cạnh đó một số tỉnh giáp với Hà Nội như Hà Bắc, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hải Hưng, Hà Nam… cũng sẵn sàng phương án tác chiến và khắc phục hậu quả, hỗ trợ cho Hà Nội.

Từ 19 giờ 25 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, Hà Nội - Hải Phòng và các tỉnh khác  nhận được lệnh chiến đấu và báo động phòng không. Chiến dịch phòng không của quân dân ta chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ bắt đầu. Trong quá trình chiến đấu, quân và dân Thủ đô, cùng lực lượng Phòng không chủ lực luôn thể hiện rõ tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo, làm thất bại âm mưu thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của kẻ thù.

Trong 12 ngày đêm Mỹ đã sử dụng 726 lần chiếc B52, 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hàng chục nghìn tấn bom đạn xuống miền Bắc nước ta. Trên địa bàn Hà Nội chúng sử dụng 444 lần chiếc B52 (chiếm 61% tổng số lần chiếc B52 trong cuộc tập kích), hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật trong đó có hàng trăm lần chiếc F111, ném khoảng 10.000 tấn bom đạn xuống 4 thị trấn, 39 đoạn phố, 67 xã (65% tổng số xã ngoại thành), tập trung chủ yếu vào mục tiêu giao thông vận tải, kho tàng (40% tổng số mục tiêu bị đánh phá) và 4 khu vực đông dân.

Kết thúc chiến dịch quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay địch trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, 1 máy bay lên thẳng HH53, 1 máy bay trinh sát không người lái, 40 máy bay chiến thuật, hàng trăm giặc lái bị chết, 43 giặc lái bị bắt, trong đó quân dân Hà Nội đã bắn rơi 32 máy bay có 25 chiếc B52, 2 chiếc F111 và 5 máy bay chiến thuật.

Xuất phát từ tầm vóc to lớn của Chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; vị trí, vai trò của Bảo tàng lịch sử trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc nói chung, truyền thống anh hùng của quân đội nói riêng trong suốt quá trình chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ vị trí quan trọng đó, Bảo tàng Chiến thắng B52 được thành lập vào ngày 10 tháng 01 năm 1986, theo Quyết định số 40/QĐ-BTL, ngày 10/01/1986 của Tư lệnh Qhủ đô ký, nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị hiện vật, nơi khắc họa Chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, thông qua hoạt động của Bảo tàng từ đó bồi đắp nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Năm 1992, Bảo tàng được Bộ Quốc phòng; Quân khu Thủ đô; Thành ủy, Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm, đầu tư xây dựng mới. Bảo tàng khánh thành vào ngày 22 tháng 12 năm 1997, nhân kỷ niệm 25 năm Chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, tại số 157 phố Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội với tổng diện tích: trên 7.550 m2, gồm đất để xây dựng công trình và khu vực trưng bày có diện tích 4.600 m2; đất làm đường, vỉa hè và sử dụng chung có diện tích gần 3.000 m2.

Hiện nay Bảo tàng trực thuộc Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Bảo tàng thuộc loại hình lịch sử quân sự, nằm trong hệ thống các Bảo tàng của Lực lượng vũ trang nhân dân, là trung tâm văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, nằm trong tổng thể không gian văn hóa di tích lịch sử “Hồ Hữu Tiệp, xác máy bay B52”, và làng hoa cổ truyền Ngọc Hà. Bảo tàng có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu về quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng vũ trang Thủ đô qua các thời kỳ lịch sử, mà đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội. Đây có thể coi là bảo tàng độc đáo nhất thế giới bởi chỉ Việt Nam mới có một bảo tàng dành riêng cho việc trưng bày chiến thắng máy bay B52. Trong quá trình từ khi thành lập đến nay Bảo tàng Chiến thắng B52 luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các khâu công tác nghiệp vụ, chú trọng việc tuyên truyền sự kiện này qua nhiều hình thức cụ thể như:

1. Tổ chức trưng bày, hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng

Đây là hình thức phổ biến diễn ra tại chỗ. Bảo tàng dành một không gian trưng bày trong nhà với diện tích 1.500 m2. Bảo tàng được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, mang biểu tượng của đài chiến thắng vinh quang. Nội dung trưng bày trong nhà gồm giới thiệu truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Trưng bày về Chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, với rất nhiều hình ảnh, hiện vật cùng với các giải pháp trưng bày, ánh sáng thể hiện khái quát về âm mưu của địch, sự tàn khốc của chiến tranh hủy diệt ở Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên; hình ảnh khắc phục hậu quả của máy bay địch bắn phá Hà Nội; hình ảnh quân và dân ta vượt lên mất mát, đau thương, chiến đấu bảo vệ Thủ đô, hạ gục máy bay chiến lược B52 và nhiều lại máy bay khác; hình ảnh chân dung và những kỷ vật của phi công, anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân Thiều - người con của Hà Nội; bức ảnh nữ tự vệ Hà Nội Phạm Thị Viễn, đầu quấn khăn tang (thờ bố mất trong trận B52 rải thảm phố Khâm Thiên), vẫn kiên cường cùng đồng đội chiến đấu bên mâm pháo…

Về diễn biến Chiến dịch, Bảo tàng trưng bày bản đồ diễn biến Chiến dịch. Bên cạnh đó, phần trưng bày này còn kết hợp với sa bàn tổng hợp và kết hợp với phim 3 màn hình, giới thiệu khái quát diễn biến Chiến dịch “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972. Đó là hình ảnh: Bộ đội tên lửa anh hùng bắn rơi máy bay chiến lược B52; trận địa pháo phòng không 100mm của tự vệ khu phố Đống Đa đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ; hiện vật của Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng bắn rơi máy bay F111A đêm ngày 22 tháng 12 năm 1972; Không quân nhân dân Việt Nam sẵn sàng cất cánh chiến đấu bảo vệ Thủ đô; máy bay B52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội; hình ảnh ký kết Hiệp định Pari tháng 01 năm 1973 và một Hà Nội khắc phục hậu quả chiến tranh, vươn lên trong thời kỳ đổi mới.

Ngoài ra Bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời với diện tích khoảng 4.000m2, trưng bày các vũ khí, khí tài mà quân, dân Thủ đô đã sử dụng và lập công, cùng một số mảnh xác máy bay Mỹ. Những hiện vật đang trưng bày tại đây tái hiện sinh động về một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp. Một thế trận đã tạo ra sức mạnh tổng hợp với “Máy bay tầm cao; tên lửa tầm trung; súng máy phòng không, súng cao xạ tầm thấp”, để đánh bại chiến dịch sử dụng “Pháo đài bay” B52 đánh, phá Hà Nội của đế quốc Mỹ. Xác “Pháo đài bay B52” với tỷ lệ 1:1, thân dài: 59,05m; sải cánh: 56,39m đang nằm dài trên mặt sân khuôn viên phía trước Bảo tàng khiến những du khách đến tham quan không khỏi kinh ngạc trước sức chịu đựng của một Hà Nội kiên cường dưới mưa bom, bão đạn chiến tranh, cũng như tinh thần đoàn kết chiến đấu của người Hà Nội. Cùng với đó, Bảo tàng đã thu thập hồ sơ các di tích chiến thắng B52 tiêu biểu ở Hà Nội như Đài tưởng niệm Khâm Thiên; điểm B52 rơi đầu tiên ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn; Sở chỉ huy phòng không nhân dân; trận địa phòng không ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng; các trận địa tên lửa bảo vệ trong 12 ngày đêm năm 1972. Những hình ảnh hay hiện vật tại Bảo tàng Chiến thắng B52 đều gắn với nhân vật cụ thể hay đơn vị cụ thể cùng với những câu chuyện hào hùng trong 12 ngày đêm lịch sử.

Để phục vụ khách tham quan và tạo cơ hội cho nhiều người dân trong và ngoài nước được biết đến Chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng của quân dân Thủ đô, trong suốt những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng B52 luôn mở cửa đón khách. Cùng với đó, Bảo tàng luôn bổ sung thay thế những hiện vật cố định và làm mới các hệ thống ảnh dương bản, hệ thống trưng bày liên hoàn, nâng cao chất lượng hệ thống chiếu phim sa bàn, bổ sung phụ đề tiếng Anh để phục vụ khách nước ngoài, để khách tham quan hiểu rõ hơn về nội dung trong chiến dịch 12 ngày đêm Chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

2. Tổ chức các buổi giao lưu giữa quân và dân ta với nhân chứng lịch sử, nói chuyện chuyên đề về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Hoạt động này được tổ chức thường xuyên, nhất là vào dịp kỷ niệm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Trong những ngày đó, Bảo tàng mời nhân chứng lịch sử đến giao lưu, kể chuyện về sự kiện Điện Biên Phủ trên không hoặc mời chuyên gia nghiên cứu lịch sử quân sự nói chuyện chuyên đề. Bảo tàng thường xuyên liên kết với đơn vị kết nghĩa như:Trường tiểu học Đại Yên, Ba Đình, Hà Nội và các Bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Quân đội tham dự kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Tổ chức các buổi tham quan chuyên đề cho đối tượng học sinh trung học phổ thông. Thông qua các buổi tham quan chuyên đề đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia đặc biệt là các học sinh chuyên sử. Ngoài những hoạt động trên, Bảo tàng thường mời các nhân chứng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” như chị Phạm Thị Viễn, Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng, đơn vị bắn rơi máy bay F-111A của Mỹ đêm ngày 22 tháng 12 năm 1972, đến giao lưu, nói chuyện truyền thống với cán bộ Bảo tàng và các học sinh trường kết nghĩa, thông qua đó giúp cán bộ làm công tác bảo tàng cũng như thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào cho thế hệ trẻ.

3. Tổ chức triển lãm chuyên đề và chuyển lãm lưu động.

Đây là hình thức tuyên truyền, giáo dục đạt được hiệu quả thiết thực, kinh phí đầu tư không nhiều, như kết quả thu được rất lớn, là một trong những hoạt động chính để thu hút khách tham quan. Địa điểm tổ chức triển lãm chuyên đề tại các đơn vị trực thuộc Lực lượng vũ trang Thủ đô; các Trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và Tiểu học trên địa bàn Hà Nội, tiêu biểu như năm 2016 tổ chức triển lãm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội (19/10/1946-19/10/2016), tại 10 địa điểm: các Trường học trên địa bàn huyện Ứng Hòa, Trung tâm giáo dục Quốc phòng 1, 2, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trung đoàn BB 692, Sư đoàn BB 301, với tổng số khách tham quan: 8.542 lượt khách. Năm 2017 tổ chức triển lãm “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” tại 11 điểm gồm các trường học trên địa bàn huyện Thạch Thất, Trung tâm giáo dục Quốc phòng 2, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trung đoàn BB 692, Sư đoàn BB 301, với tổng số khách tham quan: 15.861 lượt khách. Năm 2019, tổ chức triển lãm toàn quân nhân kỷ niệm 75 truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), với chủ đề “Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội”, với tổng số khách tham quan: 20.000 lượt khách. Năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, Bảo tàng đang làm mọi công tác chuẩn bị tổ chức triển lãm tại bảo tàng với chuyên đề “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”.

4. Giáo dục lịch sử truyền thống thông qua những kỷ vật kháng chiến.

Nhằm phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong những năm gần đây. Bảo tàng Chiến thắng B52 phối hợp với Truyền hình nhân dân và truyền hình Hà Nội làm phóng sự “Mũ rơm - Một sáng tạo thời chiến”; “Tôi yêu Hà Nội - Bảo tàng Chiến thắng B52”; phối hợp với Báo Quốc phòng Thủ đô xây dựng chuyên mục “Kỷ vật kháng chiến - Bảo tàng Chiến thắng B52” (gồm 50 kỷ vật). Mỗi hiện vật, mỗi bài viết là một tư liệu gốc quý giá, là câu chuyện chân thực, lôi cuốn, xúc động về những con người làm nên lịch sử trong Chiến dịch“ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Thông qua những chuyên mục này có tác dụng giáo dục truyền thống rất tốt vì nó gắn liền với con người cụ thể, với sự kiện lịch sử cụ thể nên rất sinh động và hấp dẫn khách tham quan nhất là giới trẻ. Đây cũng là những tài liệu đáng tin cậy phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập của các chuyên gia, học sinh, sinh viên và du khách trong nước cũng như quốc tế.

5. Tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống về Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện nay Bảo tàng có Website riêng và thường xuyên phối hợp với Cục Di sản và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đăng được gần 100 tin, bài, phóng sự và hàng trăm hình ảnh, video, thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập; phối hợp với báo Điện tử Quân đội nhân dân làm chuyên mục Di sản Văn hóa quân sự “Thăm quan Bảo tàng Chiến thắng B52: Nơi ghi dấu những chiến tích lịch sử hào hùng”; phối hợi với Báo Quân đội nhân dân làm phóng sự “Kết nối Bảo tàng với Di tích lịch sử văn hóa”, và viết bài “Bảo tồn, phát huy giá trị cụm Di sản độc đáo ở thủ đô - Sự kết nối giữa Bảo tàng - Di tích Hồ Hữu Tiệp - Làng hoa cổ truyền Ngọc Hà”.

Nhờ những nỗ lực thông qua các hình thức hoạt động như đã nêu trên, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng Chiến thắng B52 đã đón phục vụ chu đáo, an toàn, hiệu quả 227 nghìn lượt khách tham quan tại chỗ và lưu động, trong đó khách quốc tế chiếm 17,6 %, Hầu hết khách đến thăm quan bảo tàng đều có ấn tượng sâu sắc với tầm vóc lịch sử quân sự Việt Nam, nhất là sự kiện “Điện Biên Phủ trên không” thông qua những hiện vật, hình ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng.

Bảo tàng thường xuyên được sự quan tâm của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Những năm qua Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư, nâng cấp vào năm 2012, 2017 và 2019. Riêng năm 2022 nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, Bảo tàng được cải tạo, nâng cấp làm mới hệ thống đai vách, ảnh, tư liệu trên đai, cải tạo phòng sa bàn, trong đó làm mới và áp dụng công nghệ 3D mapping, để trình chiếu phim tư liệu, mở rộng bảo ôn kho lưu trữ hiện vật, sắp xếp, bảo quản các hiện vật khối, bảo quản, trị liệu chuyên sâu một số hiện vật giấy, lụa, nhựa để giữ gìn lâu dài, chắc chắn sẽ giúp cho khách tham quan hiểu rõ hơn âm mưu của đế quốc Mỹ trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”; quá trình chuẩn bị cho Chiến dịch; diễn biến và kết quả, ý nghĩa của chiến dịch… qua đó, góp phần khẳng định giá trị lịch sử của Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” với các thế hệ người dân Việt Nam và bè bạn năm châu.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong nhiều năm qua, Bảo tàng Chiến thắng B52, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” qua tư liệu, hiện vật đang trưng bày, lưu giữ. Bảo tàng Chiến thắng B52 không chỉ là nơi tham quan, học tập, nghiên cứu của đông đảo du khách trong và ngoài nước mà là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống lòng yêu nước, niềm tự hào, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh./.

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 60
Tháng 12 : 2.017
Năm 2024 : 24.580