A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”-Bài học kinh nghiệm về chiến tranh công nghệ cao

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là sự kiện lịch sử trọng đại và kỳ tích có một không hai; biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chiến thắng không chỉ góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn, mà còn đánh dấu bước phát triển mới về đường lối nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng, sự vận dụng linh hoạt những hình thức tác chiến của quân và dân Thủ đô để chiến thắng chiến tranh công nghệ cao của đế quốc Mỹ. 

http://quocphongthudo.vn/upload/2001606/fck/haiyennguyen.qptd/Untitled(52).png

Lực lượng phòng không tham gia bắn máy bay địch trong chiến dịch 12 ngày đêm.

Nghệ thuật “ngụy trang, nghi binh” linh hoạt trong tác chiến

Trong chiến dịch mang mật danh “Linebacker II”, Mỹ đã huy động máy bay ném bom chiến lược mạnh nhất khi đó là pháo đài bay B-52 để ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Trong 12 ngày, Mỹ đã xuất kích 4.547 lần chiếc máy bay, gồm 663 lần chiếc B-52, 1.459 lần chiếc máy bay không quân chiến thuật và 2.415 lần chiếc máy bay Hải quân. Trong đó, có tới 444 lần chiếc máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, chiếm 66% tổng số B-52 trong chiến dịch, ném khoảng 65.000 đến 80.000 tấn bom đạn, gây tổn thất nặng nề cho Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố, xí nghiệp khác. 

Để đối phó với những đợt tấn công ồ ạt, quy mô lớn bằng máy bay ném bom chiến lược B-52, lực lượng phòng không ba thứ quân đã vận dụng sáng tạo, kết hợp linh hoạt các biện pháp tác chiến để chống địch trinh sát, chế áp điện tử và giữ bí mật, giành chủ động, bất ngờ tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể, để giữ bí mật trước các phương tiện trinh sát của địch, quân và dân Thủ đô đã thường xuyên làm tốt ngụy trang giữ bí mật sở chỉ huy các cấp, trận địa phòng không, sân bay vòng ngoài. Riêng tên lửa phòng không ban ngày tập trung ngụy trang giữ bí mật để đánh ban đêm. Các sân bay vòng ngoài mặc dù bị địch đánh phá nhưng ta đã kịp thời khắc phục, ngụy trang khéo léo, bí mật cơ động máy bay từ nơi cất giấu đến sân bay, bảo đảm cho không quân ta xuất kích, tạo yếu tố bất ngờ đánh B-52 của địch. Đặc biệt, trong chiến dịch, lực lượng tên lửa phòng không đã thực hiện nghi binh rất độc đáo, hiệu quả, bằng cách “phóng tên lửa giả”, buộc địch phải cơ động phá vỡ đội hình chiến đấu, giảm hiệu quả của nhiễu, ta xác định được chính xác B-52 thật để đánh địch, nâng cao hiệu quả chiến đấu. Có thể thấy, nghệ thuật nghi binh, lừa địch của quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phát triển đến đỉnh cao. Bên cạnh đó, các lực lượng đã kết hợp chặt chẽ các biện pháp chiến thuật và kỹ thuật để hạn chế hiệu quả tác chiến điện tử, vũ khí công nghệ cao của địch. Bộ đội tên lửa, ra-đa phát huy tối đa khả năng chiến đấu, vận dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật, thao tác chiến đấu để phát hiện máy bay B-52 từ xa, cải tiến quy trình thông báo tọa độ mục tiêu, bảo đảm kịp thời chính xác cho các lực lượng đánh địch. Trong từng trận đánh, lực lượng phòng không ba thứ quân đã hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện các trận đánh tập trung, liên tục trên đường bay, kết hợp linh hoạt đánh địch từ nhiều hướng cả khi bay vào và bay ra, sử dụng linh hoạt các phương pháp đánh đón, đánh đuổi, đánh từ bên sườn để đối phó với nhiễu của địch, nâng cao hiệu quả tiêu diệt địch. Vận dụng linh hoạt các biện pháp tác chiến, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại, làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris theo những điều khoản có lợi cho ta.

Để lại nhiều bài học quý

Có thể nói, trong chiến dịch 12 ngày đêm, Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của mình là trình độ khoa học công nghệ cao. Tuy nhiên, với bản lĩnh, trí tuệ và tài năng, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã tích cực nghiên cứu, cải tiến các phương tiện kỹ thuật sẵn có, làm vô hiệu hóa vũ khí điện tử của địch, hạn chế hiệu quả đến mức thấp nhất của chúng trong chiến đấu. Cụ thể, chiến thuật trinh sát phát hiện và giám sát mục tiêu là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong tác chiến hỏa lực đường không bằng vũ khí công nghệ cao mà Mỹ sử dụng. Vì vậy, cùng với việc bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các lực lượng tham gia chiến đấu, thì ngụy trang, nghi binh chống địch trinh sát phát hiện, là biện pháp được quân và dân Thủ đô thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, không những che giấu được lực lượng, phương tiện, giảm thiệt hại mà còn tạo được bất ngờ, giành thế chủ động khi đánh trả địch, tạo nên lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, tổ chức đánh địch từ xa đến gần.
Mặc dù vũ khí công nghệ cao của Mỹ có những ưu điểm vượt trội so với vũ khí thông thường, độ chính xác cao, có hệ thống dẫn đường từ vị trí xuất phát đến mục tiêu, do các vệ tinh, máy bay hướng dẫn hoặc được lập trình và cài đặt sẵn. Đây cũng là điểm yếu của địch, bởi vì khi có những thay đổi tham số lập trình sẽ mất chính xác, chẳng hạn có thể thay đổi vị trí, kiểu dáng, màu sắc của mục tiêu. Mặt khác, thời gian chuẩn bị xác định vị trí mục tiêu, lập trình và cài đặt các thông số về mục tiêu là khá dài. Do vậy, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã triệt để tận dụng điều kiện địa hình tự nhiên, như sông, hồ, đường sá, cầu cống, công sự… để che giấu mục tiêu. Kết hợp với nghi binh, lừa địch, tổ chức tốt việc di chuyển, hoặc thay đổi kiểu dáng là có thể tránh được đòn tác chiến hỏa lực đường không của địch, hạn chế thương vong, bảo toàn được lực lượng. Cùng với đó, là chủ động hiệp đồng tác chiến chặt chẽ nhằm phát huy được tối đa khả năng chiến đấu của từng lực lượng, từng loại vũ khí, trang bị. Tiêu biểu của sự phối hợp là đã tạo ra một lưới lửa dày đặc, một thế trận “thiên la địa võng” đón đánh và tiêu diệt hiệu quả lực lượng không quân hiện đại của Mỹ. Những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và sẽ tiếp tục được phát huy trong tình hình mới.

NGUYỄN VĂN TUÂN

 


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 3
Tháng 12 : 1.068
Năm 2024 : 23.631