A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

CHIẾN THẮNG HÀ NỘI – ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG NĂM 1972

CHIẾN THẮNG HÀ NỘI – ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG NĂM 1972
VÀ BÀI HỌC VỀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ


Thiếu tướng, TS. Nguyễn Xuân Năng


    Cách đây nửa thế kỷ, tháng 12 năm 1972, trên bầu trời Hà Nội đã diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân và dân Việt Nam với lực lượng không quân Hoa Kỳ mà nòng cốt là máy bay chiến lược B52 – một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (máy bay chiến lược B52, tên lửa chiến lược và tàu ngầm hạt nhân chiến lược) và là thứ vũ khí “linh hoạt nhất”. Mỹ vẫn tự hào đây là “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”.Trong cuộc đọ sức này, Mỹ huy động tới 193 máy bay B52 trong tổng số 400 chiếc hiện có (gần 50%), 1.077 máy bay chiến thuật trong tổng số 3.043 chiếc. Chúng hy vọng bằng sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, đặc biệt là “siêu pháo đài bay B52”, chúng có thể buộc dân tộc Việt Nam phải khuất phục, chấp nhận ký Hiệp định Pa ri với những điều khoản do chúng đặt ra. Mặc dù vậy, chúng đã thất bại cay đắng, như bình luận của hãng thông tấn UPI ngày 31.12.1972: “12 ngày trở lại ném bom vùng Hà Nội, Hải Phòng được coi là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh đã làm cho Mỹ thiệt hại nặng nề nhất về người và trang bị”. Còn hãng AFP cùng ngày đánh giá: “Chưa bao giờ lực lượng B52 của Mỹ lại vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một khoảng thời gian ngắn như thế”.
    Đối với ta, thắng lợi của trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972 là thắng lợi của sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có thắng lợi này, một trong những nhân tố quan trọng là công tác chuẩn bị.
    Trong sự chuẩn bị ấy, sự chuẩn bị về ý chí, quyết tâm có ý nghĩa quyết định. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta luôn phải đương đầu với các các thế lực ngoại bang xâm lược mạnh hơn ta gấp bội. Nhưng dân tộc ta đều chiến thắng. Nhân tố quyết định hàng đầu bao giờ cũng là ý chí và quyết tâm. Có ý chí mới có quyết tâm đương đầu với kẻ thù xâm lược, có dám đánh mới tìm ra được cách đánh. Với đế quốc Mỹ xâm lược cũng vậy. Đây là một đế quốc giàu nhất, mạnh nhất thế giới. Khi Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh sang trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, bạn bè quốc tế lo ngại, liệu Việt Nam có thể đương đầu nổi với một cường quốc như Mỹ không. Song ngay từ đầu, Đảng ta đã xác định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đến khi Mỹ có ý định sử dụng B52 đánh vào Thủ đô Hà Nội, với sức mạnh tiềm tàng của loại phương tiện chiến tranh này, không ít người tỏ ra lo ngại, thậm chí lo sợ. Để giải quyết vấn đề tư tưởng ngại Mỹ, sợ B52 của Mỹ, Đảng ta chủ trương: Phải làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ, thấy được chỗ mạnh, chỗ yếu, thuận lợi và khó khăn của cả ta và địch, trên cơ sở đó xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và phải thắng được Mỹ đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:“Cho dù chúng có B57, B52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng”. Người chỉ rõ: “Lúc này mà còn phân vân: tàu địch to, tàu ta nhỏ, tàu bay địch nhiều, súng ta ít liệu có đánh được không là biểu hiện quyết tâm chưa cao. Tuy không dám nhận là sợ địch nhưng chính là sợ địch” (1). Thực hiện lời dạy của Bác, các lực lượng vũ trang, đặc biệt là Quân chủng Phòng không – Không quân tập trung xây dựng, nâng cao bản lĩnh, ý chí, quyết tâm “dám đánh và quyết thắng” cho bộ đội.
    Nhờ chuẩn bị sớm về tư tưởng, xây dựng được bản lĩnh, ý chí, niềm tin vào thắng lợi mà chúng ta bình tĩnh, chủ động bước vào cuộc đối đầu với B52, không hề bị động, lúng túng trước sức mạnh của B52.
    Thứ hai là chuẩn bị về lực lượng và thế trận. Cùng với chuẩn bị về tư tưởng, việc chuẩn bị về lực lượng và thế trận cũng không kém phần quan trọng. Lực lượng ở đây bao gồm cả vũ khí trang bị và con người. Sự chuẩn bị này không chỉ trong vòng mấy năm mà phải tính từ khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp đã đào tạo, giáo dục một lớp thế hệ thanh niên có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật và giác ngộ chính trị cao, tạo nên lực lượng khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam có khả năng làm chủ và cải biến các loại vũ khí hiện đại do các nước anh em viện trợ để đánh bại các thủ đoạn tinh vi, những phương tiện chiến tranh tối tân của Mỹ, nhất là với lực lượng không quân chiến thuật và không quân chiến lược của Mỹ. Điều này được minh chứng rõ trong thực tế.
    Về lực lượng, từ đầu 1965, khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, các lực lượng tác chiến phòng không của ta đã được xây dựng, bổ sung, phát triển. Trong những năm này, lực lượng cao xạ từ 12 trung đoàn và 14 tiểu đoàn phát triển thành 21 trung đoàn, 41 tiểu đoàn, trong đó có 8 trung đoàn cơ động, hình thành một mạng lưới phòng không tầm thấp và tầm trung mạnh ở các yếu địa. Bộ đội tên lửa phòng không ra đời (Trung đoàn 236) và chỉ một tháng sau lực lượng này phát triển thành 2 trung đoàn (thêm Trung đoàn 238), bộ đội không quân cũng phát triển từ 1 trung đoàn lên 3 trung đoàn. Bộ đội ra đa phát triển từ 2 trung đoàn lên 4 trung đoàn (2). Không chỉ tích cực xây dựng về tổ chức, tăng cường về vũ khí, trang bị, để giành và giữ thế chủ động trong cuộc đối đầu với B52, một số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật được bổ sung và tăng cường cho Quân chủng Phòng không – Không quân, lực lượng nòng cốt trong cuộc đối đầu này. Trên cơ sở lực lượng này, kết hợp với lực lượng tại chỗ của Hà Nội, theo đường lối chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, ta đã xây dựng nên một thế trận phòng không nhân dân “Thiên la địa võng” gồm nhiều tầng, nhiều lớp “với 30 trận địa tên lửa, 100 trận địa pháo cao xạ, hàng trăm trận địa súng pháo bắn máy bay tầng thấp được đặt trên các nóc nhà, các vị trí xung yếu” (3). Thế trận này được chuẩn bị kỹ lưỡng bao gồm cả thế trận phòng tránh (phòng không nhân dân) và thế trận đánh trả (bao gồm các lực lượng của quân chủng Phòng không – Không quân và lực lượng vũ trang địa phương). Với thế trận này, ở đâu, ở tầm bay nào, không quân Mỹ cũng bị bám đánh bằng các loại hỏa lực từ tên lửa, pháo cao xạ của bộ đội chủ lực đến súng máy phòng không, súng trường của bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ.
    Có thể nói, với sự chuẩn bị về lực lượng và thế trận hoàn chỉnh, sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, hiệu quả, quân và dân ta mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không – Không quân đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội – Hải Phòng, bắn rơi nhiều máy bay B52. Điều này chứng tỏ, sức mạnh để chiến thắng đối phương không được quyết định bởi số lượng và tính hiện đại của vũ khí trang bị mà quan trọng hơn là trí tuệ, sự sáng tạo của con người, thể hiện rõ nhất trong việc tổ chức, bố trí lực lượng và thế trận, tạo sức mạnh tổng hợp, khả năng phối hợp hiệp đồng trong quá trình chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu.
    Thứ ba là chuẩn bị phương án đối phó. Từ rất sớm (1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội” (4).
    Với nhận định này, Người đã chỉ cho chúng ta đối tượng tác chiến chủ yếu (là B52) và khu vực tác chiến chủ yếu (Hà Nội). Đây là những vấn đề cơ bản để xây dựng phương án tác chiến. Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng. Để đánh được B52, chúng ta phải nắm chắc các tính năng kỹ thuật của nó và tìm ra được cách khống chế, vô hiệu hóa chúng.
    Khác với các loại máy bay Mỹ đã từng chế tạo, B52 là sản phẩm hội tụ nhiều lĩnh vực công nghiệp hiện đại nhất của Mỹ. Mỗi B52 là một trung tâm tác chiến điện tử mà ở đó có 15 đến 19 máy gây nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực nhằm vô hiệu hóa các thiết bị phát hiện mục tiêu của đối phương. Chúng có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp. Mỗi chiếc B52 có thể chứa 20 đến 30 tấn bom. Sức tàn phá của mỗi máy bay B52 “tương đương với khả năng đánh phá của 40 đến 60 máy bay cường kích chiến thuật. Mỗi tốp 3 máy bay B52 có thể thay thế cho 120 đến 200 máy bay chiến thuật vào đánh phá khu vực. Mặt khác, chỉ trong vòng vài chục phút, một tốp B52 đã có thể ném 60 đến 100 tấn bom trên một diện rộng” (5).
    Từ tháng 6.1965, Mỹ bắt đầu sử dụng B52 đánh phá khu vực Tây Bắc Sài Gòn. Tháng 4.1966, Mỹ dùng B52 đánh phá hủy diệt các mục tiêu trên địa bàn Quân khu 4 (Quảng Bình, Vĩnh Linh) đồng thời chuẩn bị đưa “pháo đài bay” đánh ra Hà Nội và một số thành phố khác.
    Với quyết tâm tiêu diệt bằng được máy bay B52, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay B gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” (6), từ giữa 1966, Quân chủng Phòng không – Không quân đã bí mật điều động Trung đoàn tên lửa 238 vào Vĩnh Linh đánh B52.
    Ngày 17.9.1967, Tiểu đoàn tên lửa 84 Trung đoàn 238 đã bắn rơi 2 máy bay B52 đầu tiên ở Nam sông Bến Hải và Cửa Tùng. Phát huy thắng lợi này, Trung đoàn tiếp tục tổ chức đánh B52 ở Vĩnh Linh, bắn rơi thêm 4 chiếc nữa.
    Từ thực tiễn đánh B52 ở Vĩnh Linh, ta đã bước đầu phát hiện “triệu chứng hoạt động của B52, phân biệt tín hiệu và nhiễu của B52 với các loại nhiễu khác. Đã đánh được B52 ở cự ly nhất định với những tham số nhất định” (7). Tuy nhiên, đây mới chỉ là những khám phá ban đầu. Để tiếp tục nghiên cứu về B52, Quân chủng Phòng không – Không quân chỉ đạo Binh chủng Ra đa tổ chức một đoàn cán bộ vào Vĩnh Linh tìm hiểu thực tế. Đoàn đã ghi được hình ảnh của tín hiệu B52 với các dạng nhiễu của nó.  
    Đầu năm 1968, Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Phòng không – Không quân xây dựng Kế hoạch tác chiến phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy, Quân chủng Phòng không – Không quân cử nhiều đoàn cán bộ cùng một số trung đoàn tên lửa, biên đội không quân tiêm kích vào chiến trường Khu 4 nghiên cứu cách đánh B52. Tài liệu “Cách đánh B52” được biên soạn trên cơ sở kết quả nghiên cứu này. Cùng với tài liệu “Cách đánh B52”, một kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích bằng máy bay B52 vào Thủ đô Hà Nội được xây dựng. Tháng 9.1972, kế hoạch hoàn thành.
    Tháng 10.1972, Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu và thông qua tài liệu “Cách đánh B52” sau khi đã được bổ sung, hoàn chỉnh. Sau hội nghị, các đơn vị trong toàn quân chủng tập trung huấn luyện cách đánh B52 dưới các dạng nhiễu theo tài liệu đã tổng kết.
    Để khảo nghiệm cách đánh B52, đầu tháng 11.1972, Quân chủng Phòng không – Không quân tổ chức một đoàn cán bộ và một số kíp chiến đấu vào Nghệ An cùng Trung đoàn tên lửa 263 đánh B52. Đêm 22.11.1972, hai tiểu đoàn 43 và 44 của Trung đoàn 263 với 4 quả tên lửa đã diệt 2 chiếc B52, trong đó có 1 chiếc rơi tại chỗ. Thắng lợi này khẳng định bộ đội tên lửa có thể bắn rơi tại chỗ B52. Kinh nghiệm đánh B52 của Trung đoàn 263 nhanh chóng được phổ biến đến các đơn vị. Tài liệu “Cách đánh B52” được bổ sung hoàn thiện thêm một bước và chính thức được phổ biến trong toàn quân chủng.
    Hai ngày sau cuộc thử nghiệm, ngày 24.11.1972, đồng chí Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng đã nghe Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân báo cáo lần cuối Kế hoạch tác chiến phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho Quân chủng hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3.12.1972.
    Ngày 27.11.1972, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các lực lượng vũ trang miền Bắc tăng cường các mặt chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Quân chủng Phòng không – Không quân tập trung mọi khả năng tiêu diệt bằng được B52 của Mỹ.
    Đúng ngày 3.12.1972, Quân chủng Phòng không – Không quân báo cáo Tổng Tham mưu trưởng: “Mọi mặt công tác chuẩn bị đánh B52 xong. Quyết tâm của Quân chủng là kiên quyết không để bị bất ngờ, đánh rơi tại chỗ máy bay địch, kể cả B52” (8).  
    Đến đây, sau mấy năm kiên trì tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm, chúng ta đã tìm ra cách đánh B52 và xây dựng được một kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội. Kế hoạch này không chỉ xác định đối tượng tác chiến chủ yếu, khu vực tác chiến chủ yếu mà còn xác định lực lượng nòng cốt đánh B52, đó là các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, trong đó tên lửa là lực lượng chủ yếu. Cụ thể:
    - Bộ đội ra đa, có nhiệm vụ phát hiện địch từ xa, theo dõi chúng, thông báo kịp thời cho lực lượng tác chiến và phục vụ công tác phòng tránh có hiệu quả.
    - Bộ đội tên lửa tập trung đánh B52 ở khu vực tác chiến chủ yếu Hà Nội, Hải Phòng.
    - Bộ đội không quân là lực lượng cơ động đánh địch vòng ngoài, tiêu diệt và phá vỡ thế tiến công từ xa của B52.
    - Bộ đội pháo phòng không là lực lượng đánh địch tầng thấp, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của chiến dịch.
    Cùng với các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ rộng khắp, đánh máy bay địch bay thấp, hoạt động theo tốp nhỏ, chiếc lẻ, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của các địa phương.
    Bên cạnh đó, khi xác định Hà Nội, Hải Phòng là khu vực tác chiến chủ yếu, công tác phòng không nhân dân được đặt ra. Công tác này bao gồm sơ tán người dân và phân tán tài sản, xây dựng hệ thống hầm hào trú ẩn, xây dựng mạng lưới y tế và lực lượng cứu thương, cứu hỏa, cứu sập rộng khắp nhằm hạn chế tối đa thương vong, thiệt hại về người và của, tạo sự ổn định về đời sống và tinh thần cho nhân dân. Đến giữa 1972, các điạ phương quanh Hà Nội như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất…đã đón nhận hàng chục vạn người ở 1.200 cơ quan, trường học, nhà máy của Trung ương và thành phố, chưa kể số người sơ tán về các tỉnh khác. “Từ tháng 4 năm 1972 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972, tổng số các đợt dân đã sơ tán lên tới 547.895 người (chiếm 80% dân số nội thành)” (9). Hàng ngàn km giao thông hào, hơn 40 vạn hố cá nhân được đào bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người (10). Cùng với công tác phòng không sơ tán, quân và dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận đã tổ chức mạng lưới phòng không nhân dân rộng khắp ở cả nông thôn và thành thị với tất cả các loại vũ khí có trong tay, phối hợp cùng lực lượng chủ lực đánh thắng cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ.
    Nhờ sự chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng mà ta không bị bất ngờ trước sức mạnh của B52, không bị lúng túng đối phó trước việc Mỹ đưa “siêu pháo đài bay” đánh phá Hà Nội. Ngược lại, chính đế quốc Mỹ mới bị bất ngờ bởi họ quá tin vào sức mạnh của vũ khí và họ nghĩ rằng bằng “Pháo đài bay B52”, họ có thể đè bẹp ý chí của quân và dân ta.
    Đến đây có thể khẳng định: một trong những nguyên nhân thắng lợi của “Trận Điện Biên Phủ trên không” cuối năm1972 là công tác chuẩn bị. Đó là sự chuẩn bị từ rất sớm, chuẩn bị toàn diện mọi mặt cả về chính trị, tinh thần, cả lực lượng, thế trận và cách đánh. Và kết quả như chúng ta đã thấy: 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi trong 12 ngày đêm của cuộc tập kích chiến lược, trong đó có 34 chiếc B52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F111 và 42 máy bay chiến thuật. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, “Siêu pháo đài bay B52” thất trận và bị tiêu diệt với số lượng lớn, không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất.
    Bài học về công tác chuẩn bị của chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Điều này thể hiện trên mấy nét lớn sau:
    1.Không có một chiến thắng nào có thể giành được một cách dễ dàng nếu không được chuẩn bị công phu và chu đáo. Sự chuẩn bị này được tiến hành càng sớm càng tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Bất kỳ hòa bình hay chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước” (11). Thực tế đã chứng minh nếu chúng ta không có sự chuẩn bị sớm, nhất là từ khi Mỹ bắt đầu sử dụng B52 ở Việt Nam, chúng ta khó có thể chủ động đối phó và giành được thắng lợi trong cuộc đối đầu với B52 cuối tháng 12 năm 1972.
    Không chỉ chuẩn bị sớm, chúng ta còn phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, từ ý chí quyết tâm đến lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị và phương án đối phó trong mọi tình huống. Để làm được việc này, công tác nắm địch là rất quan trọng. Có nắm được âm mưu thủ đoạn của địch, mới dự báo được tình hình. Dự báo được tình hình chúng ta mới có kế hoạch chuẩn bị tốt và đưa ra được phương án đối phó tối ưu, sát thực tế và đạt được hiệu quả chiến đấu cao.
    2.Trong công tác chuẩn bị, cần xác định phải chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, nhất là vũ khí trang bị, song nhân tố con người vẫn là quan trọng nhất. Vũ khí trang bị có hiện đại đến đâu mà không có đầu óc tính toán của con người thì việc sử dụng nó cũng khó đạt kết quả như mong muốn. Vận dụng vào cuộc đối đầu với B52 cuối tháng 12 năm 1972 chúng ta thấy, về vũ khí và trang bị kỹ thuật, Mỹ mạnh hơn ta gấp bội, đặc biệt Mỹ có “siêu pháo đài bay B52 bất khả xâm phạm”. Với quan điểm vũ khí luận, người Mỹ tin tưởng sử dụng loại vũ khí này (B52), họ có thể đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Song họ đã nhầm. Kết quả cuộc tập kích bằng B52 vào Hà Nội – Hải Phòng đã chứng minh điều ngược lại, đúng như nhận định của một học giả Nhật Bản: “Không phải vũ khí mà là con người quyết định kết quả chiến đấu. Như thế không có nghĩa xem nhẹ vũ khí. Người Việt Nam rất coi trọng vũ khí. Họ đã đưa vào sử dụng những vũ khí mới như máy bay chiến đấu phản lực, tên lửa, ra đa, súng phòng không…Đó là những vũ khí được viện trợ, nhưng chúng ta phải nhớ rằng việc sử dụng những vũ khí đó do nhân dân Việt Nam đảm nhiệm. Họ đã độc lập sử dụng những vũ khí mới nhất. Kết quả, cố gắng của họ thấy rõ trong việc bắn rơi máy bay hiện đại nhất, trong đó có máy bay B52” (12).
    Con người trong thời đại ngày nay đòi hỏi không chỉ có bản lĩnh chính trị, có ý chí, quyết tâm mà phải có kiến thức, có trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại làm chủ được các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật với công nghệ tiên tiến trong nước và trên thế giới, đáp ứng yêu cầu cho cả chiến tranh thông thường và chiến tranh công nghệ cao.
    3.Công tác chuẩn bị chỉ thành công khi có sự đồng tâm, nhất trí và ủng hộ của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Sức mạnh để chiến thắng trong mọi cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta là sức mạnh của toàn dân. Chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân. Thế trận mà ta sử dụng để đánh thắng B52 cũng là thế trận của chiến tranh nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, lực lượng là ở dân” (13).Vì vậy phải huy động được sức mạnh của toàn dân trong công tác chuẩn bị kể cả trong bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước. Bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận lòng dân mãi mãi là sức mạnh để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. 
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

 

 

 

 


    Chú thích:
    1.Nguồn sức mạnh, Nhà xuất bản Sự thật, H.1992, tr.186.
    2.Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 2, Nhà xuất bản QĐND, H.1999, tr.223.
    3.Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, Nhà xuất bản QĐND, H.2012, tr.30.
    4.Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nhà xuất bản QĐND, H.1990, tr.203.
    5.Lịch sử nghệ thuật chiến dịch phòng không (12.1972), Nhà xuất bản QĐND, H.1997, tr.115.
    6.Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11, Nhà xuất bản CTQG, H.2009, tr.466.
    7.Lịch sử nghệ thuật chiến dịch phòng không, Sách đã dẫn, tr121.
    8.Chiến thắng Hà Nội –Diện Biên Phủ trên không – tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, Sách đã dẫn, tr.130.
    9.Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không – tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, Sách đã dẫn, tr.39.
    10.Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội, H.2004, tr.463.
    11.Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, Nhà xuất bản CTQG, H.1995, tr.317.
    12.Dẫn theo sách Đặc trưng công nghệ vũ khí kỹ thuật các LLVT qua các thời kỳ cách mạng, Nhà xuất bản QĐND, H.1994, tr.143.
    13. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nhà xuất bản CTQG, H.1995, tr.409.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 5
Hôm nay : 4
Tháng 05 : 851
Năm 2024 : 8.552