Dẫn đường cho “én bạc” đánh B-52
Lưu Trong Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972, không quân Việt Nam đã lập công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ hai máy bay B-52 và nhiều máy bay chiến thuật khác. Trong chiến công đó, bên cạnh sự mưu trí, dũng cảm của các phi công trực tiếp lái máy bay còn có những người lính dẫn đường cho máy bay chiến đấu tiếp cận và bắn rơi B-52. Đây là việc làm âm thầm nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có bản lĩnh, trí tuệ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã gặp Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên (sinh năm 1931), Sĩ quan dẫn đường, nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân để nghe ông kể về câu chuyện dẫn đường cho máy bay chiến đấu đánh B-52.
Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Chuyên kể lại những lần dẫn đường cho máy bay chiến đấu.
B-52 là máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ, xuất hiện từ năm 1950 của thế kỷ trước và đã được cải tiến nhiều lần khi mang bom đánh Việt Nam từ 1965 đến 1972. B-52 được gọi là máy bay “tàng hình”, ra-đa đối phương rất khó phát hiện. Mỹ cho là không thể phát hiện trong quá trình bay vào đánh phá những mục tiêu trọng yếu của đối phương. Bản thân B-52 còn tự gây nhiễu tích cực và tiêu cực đậm đặc làm cho ra-đa cảnh giới dẫn đường của không quân và ra-đa điều khiển tên lửa khó có thể phát hiện và ngắm bắn…
Ở tuổi 93 nhưng Đại tá Nguyễn Văn Chuyên vẫn còn rất minh mẫn. Ông chia sẻ: Khi phi công điều khiển máy bay chiến đấu trên không họ hoàn toàn không thể quan sát được mục tiêu bằng mắt thường, vì thế, người dẫn đường tuy ngồi ở sở chỉ huy mặt đất nhưng lại chính là “con mắt” của phi công. Để dẫn đường trên không thành công, người dẫn đường phải đảm bảo 3 yếu tố: Thứ nhất là về hướng bay. Hướng bay làm sao phải đảm bảo được tính bất ngờ với quân địch. Trong cuộc chiến trên không, ai nhìn thấy trước là người ấy chiến thắng. Thứ hai, về độ cao, người dẫn đường phải dẫn cho máy bay của ta thoắt ẩn, thoắt hiện trên ra-đa của đối phương mới có thể khiến họ không đoán được. Thứ ba là về tốc độ bay. Tốc độ bay có vai trò rất quan trọng tác động đến việc sử dụng nhiên liệu. Một máy bay chiến đấu chỉ có lượng nhiên liệu nhất định, nên phải điều chỉnh tốc độ phù hợp.
Dẫn đường là người chịu trách nhiệm hiệp đồng với các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ, ra-đa và thông tin. Đặc biệt là hiệp đồng chặt chẽ với ra-đa. Đây là khâu cực kỳ quan trọng trong công tác bảo đảm dẫn đường đánh B-52. Nếu ra-đa không phát hiện được B-52 thì không quân không thể tiếp cận được B-52 ban đêm. B-52 là loại máy bay “tàng hình”, gây nhiễu rất nặng, nếu để đơn độc ra-đa tự nghiên cứu, tìm kiếm B-52 trong nhiễu cũng khó hơn. Năm 1971 và 1972, không quân đã xuất kích hàng trăm lần chiếc (chủ yếu vào ban đêm) nhưng chỉ có 4 lần tiếp cận được B-52. Nhớ lại 1 trong 4 lần đó, ông Chuyên kể: Đêm 28/12/1972, phi công Mic-21 Vũ Xuân Thiều phát hiện B-52 bằng mắt thường. Cự ly phóng tên lửa gần, khi phóng tên lửa xong, B-52 rơi tại chỗ trên khu vực Sơn La, phi công không thoát ly kịp, xông vào vùng nổ của B-52, người lái hy sinh.
Năm 1969, Binh chủng Không quân đã tổ chức Đại đội Ra-đa 47 vào Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh để theo dõi hoạt động của B-52 cất cánh từ Sân bay U-ta-pao, Thái Lan bay vào đánh phá đầu Đường 12, Đèo Mụ Giạ, Hà Tĩnh. Gần 3 tháng mở ra-đa theo dõi nhưng bị nhiễu nặng trắng xóa cả mặt hiện sóng, không phát hiện được B-52 trong nhiễu. Dẫn đường báo cáo không thể phát hiện được B-52. Binh chủng cho rút Đại đội 47 ra Hà Nội. Năm 1971, để chuẩn bị cho Chiến dịch Quảng Trị, theo lệnh cấp trên, Binh chủng Không quân thành lập Sở chỉ huy tiền phương số 2, lấy mật danh B8 vào làng Đông Dương, huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình làm nhiệm vụ nghiên cứu đánh B-52, bảo vệ tuyến vận chuyển của Đoàn 559 trên đất Lào, đoạn từ đèo Mụ Giạ, Hà Tĩnh cho đến Đường 9 Nam Lào. Đây là nhiệm vụ mới rất quan trọng, đầy khó khăn cho nên Binh chủng Không quân lúc đó có quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên giao. Ngoài B8 có B3 (Sở chỉ huy tiền phương số 1) ở Vinh, Nghệ An cùng tham gia, hình thành một hệ thống chỉ huy hoàn chỉnh của Không quân từ Hà Nội cho đến đường 9-Nam Lào, Bắc vĩ tuyến 17…
Tìm hiểu về thời gian làm nhiệm vụ dẫn đường cho Không quân Việt Nam chiến đấu với không quân Mỹ giai đoạn 1965-1972, chúng tôi được biết, ông Chuyên đã dẫn đường cho máy bay tiêm kích chiến đấu 109 trận, sát cánh cùng phi công bắn rơi 116 máy bay gồm 14 kiểu loại và bắn bị thương 1 máy bay B-52 của Mỹ, bắn chìm 3 tàu biệt kích, bắn hư hại nặng khu trục hạm của địch ở vùng biển Đồng Hới. Sau nhiều lần dẫn đường cho phi công bắn rơi máy bay địch, ông Chuyên được đồng đội trìu mến gọi bằng cái tên “vua dẫn đường”. Ông tâm sự: Dẫn đường đòi hỏi mắt phải tinh tường, tai nghe phải tinh, miệng nói phải chuẩn, đầu óc phải linh hoạt, ước lượng, tính toán chính xác và nếu trở thành dẫn đường giỏi phải có một đặc điểm nữa là dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vì khi dẫn đường, người chỉ huy không thể trực tiếp cầm bộ đàm để chỉ huy người phi công. Khi người phi công và máy bay rời đất rồi thì lúc này, người dẫn đường sẽ là chỉ huy, điều khiển phi công về đường bay.
Khi được hỏi về kỷ niệm khiến ông nhớ nhất thời kỳ dẫn đường cho không quân Việt Nam, Đại tá Nguyễn Văn Chuyên nhớ lại: Đó là những lần tham gia dẫn đường cho máy bay Mig-21 mang số hiệu 4324 huyền thoại. Chiếc máy bay này đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015 vì thành tích bắn hạ được nhiều máy bay Mỹ nhất (Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1967, máy bay Mig-21 số hiệu 4324 đã 14 lần lập công, bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại). Bản thân sĩ quan dẫn đường Nguyễn Văn Chuyên đã trực tiếp tham gia dẫn chiếc máy bay huyền thoại này 3 lần, lần đầu là ngày 16/9/1967 do phi công Nguyễn Ngọc Độ lái; lần thứ 2 là ngày 27/9/1967 do phi công Phạm Thanh Ngân điều khiển và lần thứ 3 là ngày 3/10/1967 do phi công Nguyễn Văn Lý lái. Với những thành tích của mình, Đại tá Nguyễn Văn Chuyên đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2013, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng năm 2020.
HỮU THU