QPTĐ-Di tích Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) là một trong những di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong thời kì tiền khởi nghĩa. Đây là nơi đồng chí Trần Phú (1904-1931)-Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà cách mạng ưu tú của dân tộc đã dự thảo bản Luận cương Chính trị đầu tiên của Đảng. Trong không khí cả nước hân hoan kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm là một địa chỉ đỏ thu hút cán bộ, đảng viên và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu truyền thống.
Ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm có kiến trúc biệt thự, màu vàng nổi bật trên nền xanh cây lá, nằm ở ngã tư Hàng Bông-Thợ Nhuộm-Quang Trung. Năm 1930 tòa biệt thự này mang số 7 phố Rue Jean Soler và là nhà của Thanh tra Sở Tài chính Trung ương Bertheur trực thuộc Phủ toàn quyền Đông Dương. Với sự giúp đỡ của đồng chí Tạ Văn Bân (đầu bếp), cơ quan Thường vụ Trung ương Đảng đã chuyển đến đây đầu tháng 4/1930. Đồng chí Trần Phú được bố trí ở tại tầng hầm và được giao nhiệm vụ khởi thảo bản Luận cương Chính trị của Đảng và được bảo vệ an toàn. Năm 1960, Đảng và Nhà nước đã xác nhận giá trị lịch sử của ngôi nhà và có quyết định giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ. Hiện Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm là di tích cách mạng đón khách tham quan đồng thời là trụ sở làm việc của Ban Quản lý di tích và danh thắng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội.
Tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng, dự thảo Luận cương chính trị đã được thông qua, đồng chí Trần Phú đã được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng khi mới 26 tuổi. Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt tại Sài Gòn. Thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn dã man, xảo quyệt hòng khuất phục và khai thác thông tin nhưng đều thất bại trước ý chí của người cộng sản kiên trung. Ngày 06/9/1931, trước khi trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, đồng chí Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Trong khuôn viên Nhà lưu niệm có bức tượng đồng chí Trần Phú và là nơi du khách thành kính dâng hương trước khi tham quan. Nhân dịp kỷ niệm 19/8 và 2/9, Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Chính trị viên Ban CHQS quận Hoàn Kiếm và cán bộ, chiến sĩ dân quân phường Tràng Tiền đã dâng hương tưởng nhớ công lao; tham quan, học tập, tìm hiểu về cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú.
Trong tầng hầm của Nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật có giá trị lịch sử bộ bàn ghế nơi các đồng chí Trung ương Đảng ngồi họp; bộ áo dài, đôi dép, đèn bàn, chuông điện… của đồng chí Trần Phú trong thời gian sống và làm việc tại đây. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, thuyết minh viên Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết: Di tích thường xuyên mở cửa phục vụ nhân dân cả nước và du khách nước ngoài. Đây cũng là địa chỉ đỏ để các cơ quan, đoàn thể, tổ chức đến làm lễ kết nạp Đoàn, Đảng, báo công, dâng hương trước tượng đài Tổng Bí thư vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc.
Ấn tượng nhất trong di tích là căn phòng nhỏ nơi vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng từng sống và làm việc, có một chiếc tủ gỗ, một chiếc phản nhỏ và ô cửa sổ vòm đón không khí và ánh sáng từ bên ngoài. Tại căn phòng này, đồng chí đã ngồi xuống đất, trải 1 tờ giấy to lên giường làm bàn và khởi thảo Luận cương chính trị gồm 3 phần (Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương; những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương; tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương). Khi phổ biến về dự thảo Luận cương chính trị cho cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực, đồng chí Chính trị viên Ban CHQS quận Hoàn Kiếm đã nhấn mạnh: Đồng chí Trần Phú đã vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh nghiệm phong trào cộng sản quốc tế và Đề cương cách mạng thuộc địa của Quốc tế Cộng sản; kết hợp với việc đi khảo sát thực tế phong trào công nhân và nông dân ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, đồng thời dựa trên ý kiến của Ban Thường vụ Trung ương lâm thời. Sau một quá trình làm việc miệt mài, nghiêm túc, đồng chí Trần Phú viết ra Dự thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Cuộc đời, sự nghiệp và phẩm chất cách mạng sáng ngời của đồng chí Trần Phú đã khiến bao thế hệ đảng viên, cán bộ và nhân dân xúc động, tự hào. Đây cũng là nguồn động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng ra sức phấn đấu, học tập, rèn luyện trở thành người quân nhân cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.