A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Trường Sa trong trái tim Thủ đô-Bài 1

 

Bài 1: Tự hào về người lính đảo

 

Trong suốt chuyến hành trình thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ các điểm đảo, Đoàn công tác thành phố Hà Nội được “mục sở thị” và cảm nhận sâu sắc hơn về tinh thần vượt khó, quyết tâm cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ý chí quyết tâm và tinh thần “thép” ấy, càng làm cho các thành viên trong đoàn công tác thêm vinh dự, tự hào về những người lính nơi đảo xa.

 

Vững vàng nơi đầu sóng

Vượt hàng trăm hải lý, chiếc tàu KN490 chở đoàn công tác sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, vượt sóng gió mới đến được các điểm đảo. Tại mỗi điểm đảo, các thành viên trong đoàn công tác, ai cũng thấy tự hào về tinh thần vượt khó, sự cống hiến sức trẻ và tuổi thanh xuân của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã cống hiến máu xương, công sức, mồ hôi, nước mắt để quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong chuyến công tác, chúng tôi được chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng. Câu chuyện về gia cảnh của Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, anh Hợp quê ở Hà Tĩnh, hiện có hai con nhỏ nhưng hạnh phúc đó với anh chưa trọn vẹn. Bởi, hai cháu đều mắc bệnh tim bẩm sinh. Vợ chồng anh mất nhiều thời gian, tiền của để chữa chạy cho con. Chưa dừng lại ở đó, trước ngày anh ra đảo ít hôm, vợ anh cũng trải qua ca phẫu thuật tim khá phức tạp. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng anh vẫn quyết tâm ra đảo thực hiện nhiệm vụ. Thời gian công tác tại đảo, anh luôn vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Khi biết được thông tin về hoàn cảnh của Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” đã tổ chức vận động, quyên góp nhằm hỗ trợ anh Hợp về kinh phí ca mổ cho vợ anh. Trong chuyến thăm Trường Sa lần này, những người thực hiện quyên góp không ngờ giữa biển khơi mênh mông, họ lại được gặp Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp. Một cuộc gặp không hẹn trước nhưng vô cùng xúc động.

Đoàn công tác thăm quan đảo Song Tử Tây.

Ra đảo công tác gần một năm, Hạ sĩ Nguyễn Xuân Dương, chiến sĩ đảo Đá Thị dù nhớ nhà, nhớ đất liền nhưng anh luôn vững vàng niềm tin. Ánh mắt anh vẫn ánh lên niềm vinh dự, tự hào khi được trở thành người lính đảo. Trao đổi với chúng tôi, Dương chia sẻ: Sống giữa mênh mông sóng nước, nỗi nhớ nhà thường trực là điều hiển nhiên. Nhưng cũng như các đồng đội khác trên đảo, tôi luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, phải luôn vững vàng trước sóng gió, kiên trung bám biển, bám chốt, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống.

Lãnh đạo đoàn công tác tặng quà động viên thầy giáo trường Tiểu học đảo Song Tử Tây.

Trước vô vàn khó khăn, thử thách, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn vững bước quân hành, tiếp nối truyền thống của quê hương, gia đình hăng hái xung phong nơi tuyến đầu. Trên chuyến tàu KN490, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, Trợ lý tác chiến Vùng 4 Hải quân và anh Nguyễn Hồ Hải đang làm nhiệm vụ trên tàu Kiểm ngư KN-467. Qua câu chuyện chúng tôi được biết, anh Xuân là con trai của Liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, còn anh Hải là con rể của Anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương. Họ đều là con của những người đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Gạc Ma tháng 3/1988. Nối tiếp truyền thống ấy, các anh không ngại khó, ngại khổ, vượt qua sóng gió, gắn bó với biển đảo quê hương, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhớ về một thời gian khó

Đại biểu Đoàn công tác thành phố Hà Nội động viên hộ dân trên đảo Song Tử Tây.

Cuộc sống người lính đảo tuy gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất cũng như tinh thần nhưng với những người lính đảo khó khăn ấy càng làm cho họ đoàn kết, gắn bó, yêu thương, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Là người từng trải qua nhiều cương vị chỉ huy ở các đảo Đá Lớn D và đảo Đá Tây B những năm 1995-1998, Đại tá Đào Văn Nhận, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) chia sẻ: Cách đây 28 năm, tôi ra Trường Sa công tác. Cuộc sống của người lính đảo vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Ngày đó, chưa có sóng điện thoại, cũng không có ti vi. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất khao khát được nghe âm thanh, hơi thở từ đất liền, mong chờ những bức thư, tiếng nói cười của em nhỏ... Mỗi lần biết tin có đoàn trong đất liền ra thăm, anh em chúng tôi trông ngóng từng ngày. Khi tàu xuất hiện, cảm xúc như vỡ hòa, cán bộ, chiến sĩ hò reo chào đón từ xa. Trở lại Trường Sa hôm nay, những kỷ niệm ấy lại ùa về trong ký ức. Cuộc sống người lính đảo nay đã có nhiều đổi mới. Mọi thứ từ ăn ở, sinh hoạt, không gian đều đã khác. Đó là kết quả sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của nhân dân cả nước nói chung và của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nói riêng đối với biển đảo Tổ quốc.

Trao quà tặng Quân chủng Hải Quân xây dựng nhà văn hóa đa năng đảo Đá Đông B.

Cũng như Đại tá Đào Văn Nhận, cảm xúc của anh Lê Văn Hồng, Điều dưỡng trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thành viên Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” cũng dâng trào khi được trở lại với nơi mình từng công tác. Anh xúc động nói: Sau 14 năm tôi lại có dịp quay trở lại nơi đây. Trong tôi có nhiều cảm xúc dồn nén khó tả. Bước chân lên đảo, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên, mặc dù đã được nghe nhiều về sự phát triển của đảo. Thế nhưng có ra tận nơi, được tận mắt chứng kiến, tôi mới thấy sự phát triển đó. Giờ đảo đã có nhiều nhà kiên cố hơn, cây xanh nhiều và đa dạng hơn. Ngày trước chỉ có ít cây phong ba, cây bàng vuông và một số ít cây khác. Hôm nay, đảo có nhiều cây xanh và cả những loài hoa đang khoe sắc. Lần trở lại này, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” mong muốn mang những tình cảm từ đất liền gửi gắm, động viên quân, dân trên đảo yên tâm bám biển, vững tay súng canh giữ biển trời.

Đến thăm các đảo, điểm đảo và Nhà Giàn DK1/8, mới cảm nhận trọn vẹn được sức sống mãnh liệt và bản lĩnh kiên cường của người lính đảo. Những cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa và Nhà Giàn DK1/8 trước phong ba, bão táp, họ vẫn mạnh mẽ, kiên cường, không một phút nghỉ ngơi, ngày đêm canh giữ từng mỏm đá, từng bãi san hô, giữ cho những ngọn hải đăng luôn sáng để thắp sáng cho chân lý chủ quyền Việt Nam.

Trần Đông


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 41
Tháng 04 : 1.602
Năm 2024 : 6.682