A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kỷ vật của Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều

Chiến tranh đã đi qua, nhưng Chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” vẫn in đậm trong tâm trí người dân Hà Nội như một bản hùng ca vĩ đại. Chiến thắng thể hiện tầm cao và trí tuệ của con người Việt Nam trước đội quân hùng hậu. Để có được thành quả đó dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng những mất mát, hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Trong đó, không thể không nhắc đến tấm gương người lính Không quân quả cảm Anh hùng, liệt sỹ, phi công Vũ Xuân Thiều. Anh mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam noi theo về lòng dũng cảm, trí tuệ, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.

 

Tại phòng trưng bày kỷ vật của Bảo tàng Chiến thắng B-52, các kỷ vật của Anh hùng Vũ Xuân Thiều luôn nhận được sự quan tâm, ngưỡng mộ của du khách, nhất là học sinh, sinh viên. Các kỷ vật gồm một chiếc đài đã cũ, một Giấy khen Sinh viên Giỏi của Đại học Bách Khoa và tấm ảnh anh Thiều trong bộ quần áo phi công, dáng dấp cao lớn, ánh mắt trong sáng. Cuối bức ảnh có bút tích của mẹ anh-bà Vũ Thị Vượng đã tặng tấm ảnh cho Bảo tàng vào 10/7/2002. Anh là người con giỏi giang, là phi công ưu tú của Thủ đô Hà Nội bắn hạ B-52.

Đồng chí Vũ Xuân Thiều sinh ra trong một gia đình cách mạng ở phố Đặng Dung, Hà Nội. Năm 1965, khi đang học năm thứ ba Khoa Vô tuyến điện, Trường Đại học Bách Khoa, anh tình nguyện nhập ngũ, khám và trúng tuyển phi công. Và thế là chàng sinh viên giỏi, Bí thư - Chi đoàn năng nổ được thầy yêu, bạn mến được “chắp thêm đôi cánh" khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 1968, sau khi hoàn thành xuất sắc khóa học tập và huấn luyện bay ở Liên Xô, phi công Vũ Xuân Thiều trở về nước, biên chế về Trung đoàn Không quân - Sao Đỏ (e921). Lúc hy sinh, anh là đảng viên, Thượng úy, Trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân.

Trung tuần tháng 12/1972, Mỹ mở rộng cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào thành phố Hà Nội và Hải Phòng, Vũ Xuân Thiều cùng đồng đội quyết tâm diệt B-52, để chắc thắng, anh đề xuất phương án công kích gần mặc dù có khả năng gặp nguy hiểm cho cả máy bay và phi công. Từ ngày 18/12, lực lượng phòng không ba thứ quân của ta, nhất là bộ đội tên lửa đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong khi không quân đã xuất kích nhiều lần nhưng chỉ bắn rơi một số máy bay chiến thuật. Phải đến đêm 27/12, phi công Phạm Tuân lần đầu tiên bắn rơi B-52 đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho các phi công MIG-21. Thượng úy Vũ Xuân Thiều được điều về Đại đội MIG-21 đánh đêm, anh rất nóng lòng được ra trận lập công.

21 giờ ngày 28/12, Đại đội Ra-đa thông báo phát hiện B-52, Phó Tư lệnh Không quân Trần Mạnh lệnh cho phi công Vũ Xuân Thiều xuất kích từ Bân bay Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Anh nhận định chúng đổi hướng, bay ngược lên Sơn La rồi mới vòng xuống đánh phá Hà Nội. Được sự đồng ý của chỉ huy, anh đuổi theo B-52 về hướng Nà Sản, Sơn La. Phó Tư lệnh Trần Mạnh chỉ đạo: "046 bật công tắc bắn cả loạt, kiên quyết tiêu diệt địch", Phi công Vũ Xuân Thiều trả lời: "Nghe rõ”. Một phút sau, Sở chỉ huy gọi điện đàm liên tục: "Sông Mã gọi 046" nhưng không có phản hồi. Sau phút giây lặng đi của Sở Chỉ huy, chiếc B-52 bùng cháy rồi rơi xuống khu vực Cò Nòi, Sơn La.

Sự hy sinh của phi công Vũ Xuân Thiều vẫn là một ẩn số cho đến 10/2002 một số chuyên viên Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đến thăm Bảo tàng Không quân Mỹ tại Washington và tìm hiểu cuốn sách "Không chiến trên bầu trời Bắc Việt. Tác giả Istvan Toperczer đã ghi lại lời kể của một phi công Mỹ làm nhiệm vụ về tình cho B-52D bị không quân ta tiêu diệt đêm hôm đó: "Chiếc máy bay MIG-21 của không quân Bắc Việt lao vút lên bầu trời, Khi phát hiện ra mục tiêu B-52 và các máy bay tiêm kích của Mỹ bảo vệ, chiếc MiG-21 đã mưu trí vượt qua hàng rào bảo vệ và tiếp cận mục tiêu. Quả tên lửa thứ nhất phóng ra, rồi thứ hai, chiếc B-52 bị thương nhẹ chỉ tròng trành trong vài giây rồi vẫn lao đến vị trí cắt bom. Khi khói vàng vừa nhả thì chớp nhoáng chiếc MIG 21 lao như một mũi tên vào B-52, cả hai khối sắt thép cùng nổ tung trên bầu trời”. Vậy là sự hy sinh dũng cảm của phi công Vũ Xuân Thiều đã được giải mã. Với chiến công này, ngày 20/12/1994, Thượng úy, liệt sĩ Vũ Xuân Thiều đã được Chủ tịch nước truy tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhìn ngắm tấm ảnh và các kỷ vật của Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều tại Bảo tàng Chiến thắng B-52, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn khâm phục và ghi nhớ tấm gương sáng về trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí chiến đấu quả cảm của anh. Nhắc nhở thế hệ trẻ cần tiếp tục phấn đấu, thi đua học tập, rèn luyện tốt góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững.

                                                                         Anh hùng Liệt sĩ  Vũ Xuân Thiều được Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội trao tặng giấy khen sinh viên Giỏi.

                                                                        Bức ảnh Gia đình Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều  trao tặng Bảo tàng Chiến thắng  B-52

                                                                                                 Đài bán dẫn của Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều.

 

Hồng Cẩm

 


Tác giả: adminb52
Nguồn: Bảo tàng Chiến thắng B52
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 8
Tháng 05 : 855
Năm 2024 : 8.556