A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Một số vấn đề góp phần nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2024

QPTĐ- Để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, thời gian qua, Đảng ta đã đề ra chủ trương chiến lược xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc. Thực hiện chủ trương đó, cùng với quá trình xây dựng KVPT, các địa phương trên cả nước đã dành nhiều nguồn lực, tập trung xây dựng KVPT và diễn tập KVPT. Thông qua các cuộc diễn tập, nhận thức, năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và khả năng tham mưu của các ban, ngành đối với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh (QP-AN) ở địa phương đã không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn mới.

Đại biểu dự Hội nghị quán triệt, triển khai nhiệm vụ 

diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2024.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng sẽ có những diễn biến nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có xung đột. Các thế lực thù địch vẫn quyết liệt đẩy mạnh thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, can thiệp chống phá cách mạng nước ta. Quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI, Khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, những năm qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương; tập trung xây dựng thành phố Hà Nội thành KVPT vững chắc. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (2020-2025) đến nay đã có 27/30 quận, huyện, thị xã diễn tập KVPT, 5 sở, ngành diễn tập bảo đảm tác chiến phòng thủ, 547/579 xã, phường, thị trấn diễn tập chiến đấu trong KVPT với chất lượng ngày càng được nâng lên.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 luyện tập chuẩn bị 

cho nhiệm vụ thực binh trong diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2024.

Năm 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội là tổ chức diễn tập KVPT thành phố theo Chỉ thị số 73-CT/BQP ngày 27/4/2024 của Bộ Quốc phòng và Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 17/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức diễn tập KVPT thành phố Hà Nội. Bộ Tư lệnh với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT Thành phố xác định: Khác với các cuộc diễn tập trước đây, diễn tập năm nay có quy mô lớn, phạm vi rộng, nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong cả một nhiệm kỳ; cần phải có sự lãnh đạo tập trung, sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên các địa bàn. Do đó, để cuộc diễn tập thực sự thành công và ý nghĩa, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau:

Trước hết, cần nhận thức rõ về ý nghĩa, yêu cầu từ thực tiễn và tầm quan trọng của nhiệm vụ diễn tập KVPT thành phố Hà Nội năm 2024. Diễn tập KVPT không chỉ là hình thức huấn luyện tổng hợp dựa trên các nội dung đã được huấn luyện phân đoạn. Trên thực tế, trong diễn tập KVPT có nhiều nội dung mới chưa từng được huấn luyện, luyện tập và chỉ thông qua các cuộc diễn tập mới có điều kiện áp dụng, xử trí thông qua các tình huống. Diễn tập KVPT có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng đối với tư duy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) gắn với củng cố QP-AN ở địa phương. Đó cũng là cuộc kiểm tra thực tiễn khả năng lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, vai trò tham mưu và trình độ tổ chức chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong KVPT.

Diễn tập KVPT Thành phố năm 2024 đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Thực tiễn cho thấy, khi Thủ đô phải chuyển vào trạng thái khẩn cấp về quốc phòng, phải chuyển sang thời chiến thì chắc chắn tình trạng chiến tranh đã cận kề không chỉ đối với Thủ đô. Trong điều kiện đó, chúng ta phải sẵn sàng đưa vào phương án, phải sẵn sàng bổ sung kế hoạch để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của trên khi cần phải bảo đảm cho các cơ quan Trung ương; bảo đảm lực lượng, phương tiện, dân công hỏa tuyến, quỹ đất cho mở rộng sân bay quân sự, trận địa phòng không; mở rộng, mở mới đường cơ động, cầu phà, bến vượt... Hà Nội cũng sẵn sàng phải chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kế hoạch khi các tỉnh bạn có yêu cầu hỗ trợ, kể cả phối hợp lực lượng trong tác chiến đánh địch bảo vệ KVPT các địa bàn. Với Thủ đô Hà Nội chúng ta cũng sẽ có những yêu cầu được chi viện, giúp đỡ từ các địa phương và của Trung ương trong quá trình phòng thủ.

Thủ đô Hà Nội có trên 80 Đại sứ quán của các quốc gia; có số lượng khu công nghiệp, trường đại học với tỷ lệ người nước ngoài rất lớn, đặc biệt là lưu học sinh, sinh viên Lào, Campuchia với số lượng hàng ngàn người, là một trong những vấn đề mà Thành phố cần phải quan tâm, phối hợp, giải quyết. Khi tình huống đặt ra, Hà Nội phải sẵn sàng phương án để bảo đảm sơ tán, bảo đảm cơ sở đào tạo cho các học sinh, sinh viên nước bạn khi Chính phủ yêu cầu; cùng với đó là rất nhiều việc phải làm, phải bàn trong đối ngoại, trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Là địa phương kết nghĩa với bạn Lào và Campuchia; trong bộn bề công việc của thời chiến; chúng ta có cần phải chủ động để sẵn sàng cho các trường hợp bảo đảm giúp đỡ vật chất, phương tiện và cả chuyên gia trong các lĩnh vực (y tế, cầu đường…) theo đề nghị của bạn hay không? Đó là những vấn đề chúng ta phải bàn, phải có chủ trương trong quá trình vận hành cơ chế.

Bên cạnh đó, trong điều kiện rất khẩn trương của quá trình chuẩn bị cho nhiệm vụ phòng thủ, nhiệm vụ tác chiến, chúng ta vẫn phải duy trì, phải lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và đối phó với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngay từ trong nội địa; lo sơ tán nhân dân; lo bảo đảm hậu cần, cơ sở y tế; lo sửa chữa hệ thống điện, đường, trường, trạm.... Quá trình vận hành cơ chế, tổ chức các hội nghị, chúng ta phải linh hoạt, chủ động đưa các tình huống vào bài tập để bàn (thông qua hình thức điện chỉ đạo của trên, công văn đề nghị phối hợp của các địa phương bạn hoặc đề nghị của các địa bàn, báo cáo của Văn phòng Thành ủy, UBND Thành phố...) để có ngay những giải pháp cụ thể xử lý, ứng phó với diễn biến tình hình, chứ không chỉ thuần túy bàn giải pháp lãnh đạo, điều hành theo hướng thuận chiều đồng bộ. Có như vậy chúng ta mới đưa được không khí khẩn trương, sinh động về mặt nội dung và yêu cầu cụ thể xử lý tình hình, bảo đảm được yêu cầu “diễn”-như thật, khi đó diễn tập mới thành công, mới thật sự nâng cao trình độ từ những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn. Ngoài ra còn nhiều tình huống khác mà chúng ta cần phải đặt ra và xử lý sát với yêu cầu nhiệm vụ khi địa phương chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, khi địa phương chuyển sang thời chiến.

Bên cạnh đó, quá trình diễn tập cần phải chủ động bám sát sự phát triển của tình hình và yêu cầu bảo vệ thành phố Hà Nội cả trong thời bình lẫn thời chiến để xác định nội dung, đồng thời quan tâm phát huy kinh nghiệm truyền thống và vai trò của các lực lượng tham gia diễn tập.

Trong thế phòng thủ chung của cả nước, thành phố Hà Nội là hướng phòng thủ chiến lược, địa bàn đặc biệt quan trọng; do đó diễn tập KVPT cần phải tăng cường các nội dung diễn tập phối hợp giữa các lực lượng; giữa Quân sự và Công an, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong thế trận chung của toàn Thành phố, phát huy thế mạnh, cách đánh truyền thống đã được khẳng định và trở thành giá trị nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là cơ sở lý luận, thực tiễn để xây dựng nội dung diễn tập phù hợp với nhiệm vụ của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và các tổ chức quần chúng được vũ trang ở địa phương. Kinh nghiệm thực tiễn chiến tranh nhân dân địa phương từ cuộc kháng chiến chống Pháp cho thấy, lực lượng quân Pháp bị thiệt hại do dân quân, du kích và bộ đội địa phương là 23,1 vạn/tổng số 50 vạn quân địch (chiếm tỉ lệ 46,4% tổng số lực lượng địch bị tiêu diệt), làm tan rã trên 20 vạn tên (chiếm tỉ lệ 35%) và kiềm chế, phân tán trên 90% tổng số lực lượng địch trên toàn chiến trường.

Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mặc dù khái niệm “khu vực phòng thủ” chưa ra đời, song trên thực tế, nội dung của khái niệm này và phương thức lãnh đạo quân- dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu đã được cán bộ, nhân dân ta thể hiện rất phong phú, sáng tạo như: Căn cứ địa cách mạng, chiến khu cách mạng, địa đạo, hầm bí mật để bám trụ; ủy ban kháng chiến, làng kháng chiến, trường học kháng chiến... Ngày nay, nhiều cán bộ chưa trải qua chiến đấu, vì vậy những kinh nghiệm quý báu trên càng cần được kế thừa, phát triển vận dụng trong diễn tập, huấn luyện. 

Thực hiện nội dung này, chúng ta cần chủ động tổ chức các hội nghị quân-dân khi có điều kiện (chú ý thành phần các cán bộ lão thành, cán bộ có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo địa phương thời chiến) để truyền thụ kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành kháng chiến; mặt khác, quan trọng hơn là nghe nhân dân hiến kế xây dựng KVPT. Trong diễn tập KVPT Thành phố, cần huy động một số lượng đông đảo quần chúng tham gia; nhân dân sẽ có thêm niềm tin vào sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền, LLVT Thủ đô; thấy được vai trò của mình trong diễn tập KVPT, hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy. Đây chính là điều kiện để giáo dục QP-AN thiết thực nhất, trực quan nhất, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Diễn tập KVPT thành phố Hà Nội năm 2024 là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Việc xác định các vấn đề diễn tập không chỉ căn cứ vào hiện tại, mà còn phải dự báo được sự phát triển của tình hình để đảm bảo phù hợp với yêu cầu bảo vệ địa phương cả về trước mắt và lâu dài. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng cuộc diễn tập KVPT Thành phố năm 2024 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến-Văn minh-Hiện đại-Phát triển, vững bước trên con đường đổi mới hội nhập quốc tế và khu vực.

Trung tướng TRẦN NGỌC TUẤN

Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 1
Tháng 12 : 1.066
Năm 2024 : 23.629