A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội: Một thời chiến trận hào hoa

 Bài 2: Giữ vững và phát huy truyền thống LLVT Thủ đô

Gắn kết các thế hệ cựu chiến binh

Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô được vận động thành lập từ năm 2010, khi một số cán bộ lãnh đạo của Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước như cố Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân và Thiếu tướng Lê Nam Thắng, cố Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô đã cho phép và động viên tổ chức Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô. Hội được thành lập và chính thức ra mắt ngày 29/8/2010 tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Hội ra đời và đi vào hoạt động là kết quả của sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thành phố Hà Nội và sự giúp đỡ tận tình của Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Đại tá Vũ Đình Quý- Phó Trưởng Ban liên lạc Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô cho biết: Hội lấy ngày mà Bộ Tư lệnh Thủ đô vinh dự được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức xây dựng lực lượng quân tăng cường của Thủ đô chi viện chiến trường miền Nam làm ngày truyền thống. Đó chính là ngày 01/8/1967. Chúng tôi luôn quán triệt hội viên giữ vững lập trường tư tưởng, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ", tích cực tham gia công tác ở địa phương. Đặc biệt, nhiều hội viên không quản ngại tuổi cao đã cùng chung sức tham gia chống dịch, bệnh ở địa phương, tham gia các tổ, chốt tuyên truyền chống dịch, được địa phương khen thưởng.

Ban liên lạc trao tặng sách tới cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân.

Trong những năm gần đây, đã phát hành 6 tập sách “Ký ức chiến tranh” để tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Tác giả sách “Ký ức chiến tranh” là những cán bộ, chiến sĩ Quân tăng cường Thủ đô trực tiếp chiến đấu kể về mình, về đồng đội. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thường xuyên tổ chức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, thanh thiếu nhi tham quan về nguồn, thăm các địa chỉ đỏ như: Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên…nhằm giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Đi tìm đồng đội bằng tất cả tấm lòng

Những năm qua, các cựu chiến binh của Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô tiếp tục giữ vững công tác nghĩa tình, Hội thường xuyên tri ân đồng đội, giúp các gia đình liệt sĩ tìm và đưa hài cốt liệt sĩ về quê nhà, trả lại danh tính cho các liệt sĩ chưa biết tên… Tiêu biểu như Tiểu đoàn 76, Tiểu đoàn 78 đã tổ chức hàng chục chuyến đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, đến nay đã quy tập được 45 hài cốt liệt sĩ về địa phương. Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống bằng các buổi nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ tại các trường học; tổ chức hội thảo khoa học vinh danh Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội; phát động hội viên tham gia viết tiếp "Ký ức chiến tranh" tập 7…

Chiến tranh đã lùi xã, hầu hết các chiến sĩ Quân tăng cường Thủ đô đã trở về với cuộc sống đời thường, nhưng trong tâm khảm mỗi người vẫn luôn lưu giữ kỷ niệm về năm tháng không thể nào quên của một thời nhập ngũ, chiến đấu trên các chiến trường chống Mỹ. Cựu chiến binh Nguyễn Huy Hoàng trải lòng: “Thế hệ chúng tôi khi ra đi chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, khi đó ở độ tuổi mười tám, hai mươi. Chúng tôi đã ra đi mang theo dòng nhiệt huyết “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Nay chúng tôi đã già, chỉ muốn nhắc nhở các bạn thanh niên trong LLVT Thủ đô hãy cố gắng tu dưỡng đạo đức, kiên trì học tập tri thức quân sự và rèn luyện kỹ năng chiến đấu để luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội thân yêu và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Ban liên lạc Hội cựu quân tăng cường Thủ đô Hà Nội tặng Trung đoàn BB59 bộ sách “Ký ức chiến tranh”.

Trò chuyện với các cựu chiến binh của Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô, chúng tôi được nghe câu chuyện về Đại tá Trần Tường Huấn, ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, người có nhiều hoạt động tích cực trong tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Ông nhập ngũ năm 1972 vào Trung đoàn 59, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Năm 1974, ông cùng hai Tiểu đoàn 76 và 78 thuộc Trung đoàn 59 nhận nhiệm vụ vào Nam tăng cường cho chiến trường Tây Nam bộ và tham gia Trung đoàn 1 (Đoàn U Minh, Quân khu 9) với chức vụ Tiểu đội trưởng. Ông có hai người bạn học cùng lớp tại Trường THPT Chu Văn An (niên khóa 1970-1973), nhập ngũ cùng năm, là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và liệt sĩ Vũ Duy Hùng. Trong một lần họp lớp, ông đề xuất cùng những người bạn thành lập nhóm “Tìm bạn về”. Cuối tháng 5/2016, nhận ủy quyền từ gia đình hai liệt sĩ cùng manh mối duy nhất là hai tờ giấy báo tử, nhóm bắt đầu hành trình tìm kiếm. Sau hơn 2 năm với sự giúp đỡ từ nhiều cơ quan, đơn vị, nhóm đã tìm ra nơi chôn cất hai liệt sĩ. Qua kết quả giám định, hai gia đình cùng nhóm bạn đã đón nhận hài cốt hai người bạn học thất lạc sau 45 năm xa quê.

Cán bộ, chiến sĩ  LLVT Thủ đô thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ  quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị.

Được biết, năm 2017, Ban Liên lạc Trung đoàn 20 khu vực Hà Nội đã khởi xướng việc dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Trung đoàn 20 tại ấp Hai Lành, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Tấm Bia bằng đá quý, được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ. Năm 2022, Ban liên lạc đã đề nghị và được Bộ Lao động thương binh và xã hội chỉ đạo Cục Người có công và tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức Lễ "Trả lại tên cho anh" tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Rạch Giá, mời 27 thân nhân liệt sĩ đã tìm được liệt sĩ là con, em mình qua giám định ADN đến dự và nhận phần mộ liệt của gia đình mình sau gần 50 năm thất lạc thông tin. Nhiều năm qua cho đến nay, Ban liên lạc của Trung đoàn khu vực Hà Nội vẫn tìm kiếm đồng đội còn thất lạc danh tính, góp phần làm dịu nỗi đau các gia đình liệt sĩ.

Sự đóng góp và hy sinh to lớn của Quân tăng cường Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ không bao giờ bị lãng quên. Những cựu chiến binh Quân tăng cường Thủ đô đang nỗ lực làm những việc thiết thực để tri ân đồng đội nhân kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống Quân tăng cường Thủ đô (01/8/1967 -01/8/2023). Tâm sự với chúng tôi, các bác trong Ban liên lạc Hội cựu Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội vẫn mong muốn có được một nơi thờ tự, thắp hương cho đồng đội, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và ngắm nhìn tượng đài vinh danh Quân tăng cường Thủ đô như tượng đài chiến sĩ “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 1
Tháng 12 : 1.066
Năm 2024 : 23.629