A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội: Một thời chiến trận hào hoa

Bài 1: Ký ức hào hùng về những ngày ra trận

Tình nguyện nhập ngũ

Hưởng ứng lời hiệu triệu chống Mỹ, cứu nước của Bác Hồ vào ngày 17/7/1966, thanh niên cả nước hăng hái tòng quân lên đường tham gia chiến đấu. Ngày 01/8/1967, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội trực tiếp tuyển quân. Ngoài chỉ tiêu tuyển, giao quân chung cho các đơn vị chủ lực, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội còn phải huấn luyện, tổ chức hành quân vào miền Nam giao quân bổ sung cho các đơn vị quân giải phóng, tham gia chiến đấu khắp các chiến trường từ Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế đến miền Đông, miền Tây Nam bộ và trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn (Đoàn 559).

Ban liên lạc Hội cựu QTC Thủ đô tặng hoa chúc mừng BTL Thủ đô Hà Nội nhân dịp 22/12/2020.

Những cuộc tuyển quân đã trở thành nguồn động lực tinh thần to lớn cho người chiến sĩ quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách. Chứng kiến những năm tháng đó, nhà văn Đào Ngọc Du nhớ lại: “Đối với thế hệ chúng tôi- những thanh niên Hà Nội ngày đó, cụm từ “Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội” vừa thiêng liêng, vừa trách nhiệm, vừa là phẩm giá. Những người ở các cơ quan, các trường đại học, nhà máy và nông dân ngoại thành được tuyển chọn vào bộ đội thuộc “Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội” cho chiến trường miền Nam đều là những người ưu tú nhất. Có người ngày nhập ngũ là ngày nhận giấy gọi vào đại học, nhưng cũng gác lại cây bút lên đường đánh giặc…”.

Đại tá Phạm Quang Hiệp, nguyên Phó Trung đoàn trưởng về chính trị Trung đoàn 59, nguyên Trưởng ban lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị Quân khu Thủ đô cho biết: “Ngày ấy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội nâng cấp phát triển Đoàn 1867 lên thành Trung đoàn 59. Sự ra đời của Trung đoàn 59 đánh dấu bước phát triển mới về quy mô tổ chức các đơn vị quân tăng cường Thủ đô. Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 59 tiếp nhận và huấn luyện hai tiểu đoàn là 44 và 46. Đồng thời chuyển căn cứ huấn luyện quân tăng cường lên huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình vừa để bảo toàn lực lượng tránh máy bay Mỹ đánh phá, vừa bảo đảm huấn luyện sát thực tế chiến đấu trên chiến trường ở địa hình rừng núi”.

 Buổi tiễn Tiểu đoàn 6 QTC Thủ đô lên đường vào miền Nam chiến đấu năm 1968.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính Thành phố, sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các ngành, các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc các cấp, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng, huấn luyện, hành quân và giao đầy đủ 42 tiểu đoàn Quân tăng cường chi viện chiến trường. Trong giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến tranh cục bộ” là 16 tiểu đoàn. Trong giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” là 2 đợt với 26 tiểu đoàn…

Những chiến công thầm lặng

Các chiến sĩ quân tăng cường Thủ đô chi viện đều đã qua một thời gian huấn luyện thuần thục, có ý chí chiến đấu cao và có sức khỏe tốt khi được bổ sung vào một đơn vị đều hòa nhập, thích nghi nhanh với hoàn cảnh chiến trường. Tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ ngay khi bước chân vào mặt trận. Đại tá Vũ Đình Quý, sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 2- Tiểu đoàn huấn luyện đầu tiên trong số 42 Tiểu đoàn huấn luyện tân binh để bổ sung cho chiến trường miền Nam kể: “Chúng tôi nhập ngũ đợt 27/7/1967 vào chiến trường Quảng Trị và được bổ sung cho Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Chiến trường Quảng Trị được định danh là nơi “Sắt thép đọ sắt thép”, “Xác thịt đọ xác thịt”, “Sức mạnh chế độ đọ sức mạnh chế độ” nên vô cùng ác liệt. Tại đây chỉ trong vòng một năm, bản thân tôi đã bị thương tới 3 lần…”.

Trong tập thể kiên cường là những cá nhân tiêu biểu thể hiện phẩm chất người chiến sĩ quân tăng cường. Có thể kể đến như: Thầy giáo, chiến sĩ Nguyễn Tiến Lộc- Tiểu đoàn 34, vào chiến trường được bổ sung cho Sư đoàn 324, chỉ sau hơn 4 giờ huấn luyện sử dụng súng B40, ngay trận đầu với 6 quả đạn đã tiêu diệt 5 hỏa điểm của địch. Ông Nguyễn Hữu Mãi là dân quân xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh trở thành người lính của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 59 được bổ sung vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Khác hẳn với các bạn đồng ngũ, ông Mãi đã đánh 15 trận với máy bay Mỹ oanh tạc khu vực Phủ Lỗ, rồi ông mới nhập ngũ ngày 27/7/1967. Vào quân ngũ, huấn luyện ở Trung đoàn Bộ binh nhưng khi ra trận ông được cấp trên chuyển sang đơn vị hỏa lực cối 82mm, tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và hàng trăm trận đánh lớn, lập nhiều chiến công, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” năm 1968, 1973. Cùng là chiến sĩ Tiểu đoàn 2 nhưng ông Nguyễn Thọ Quyết được bổ sung cho Sư đoàn 320, trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào, ông đã cùng đồng đội bắt sống đại tá Nguyễn Văn Thọ- Lữ trưởng Lữ đoàn dù 3 quân đội Sài Gòn.

Trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế, ngày 26-3-1975, ông Nguyễn Quang Thái thuộc Tiểu đoàn 48 được bổ sung cho Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu Trị Thiên. Ông đã thu được chiếc xe Jeep của địch, lái xe đưa tiểu đoàn trưởng cùng các chiến sĩ hỏa lực B40, B41, trung liên vượt nhanh lên phía trước đánh địch lập chiến công xuất sắc. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, ba đồng chí Nguyễn Khắc Nhu- Tiểu đoàn 4, Bàng Nguyên Thất và Nguyễn Huy Hoàng- Tiểu đoàn 68, trong đội hình của Quân đoàn 2, cùng đồng chí Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 tiến công vào Dinh Độc Lập, bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh, cùng toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Sau ngày 30-4-1975, quân tăng cường ở Tiểu đoàn 76 bổ sung cho Lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ tiếp tục chiến đấu ở Campuchia, chiến sĩ Tiểu đoàn 78 tham gia chiến đấu giành lại Trường Sa…

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn là người lãnh đạo, chỉ huy bộ đội Trường Sơn ghi nhận sự mưu trí, sáng tạo trong công tác và tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân tăng cường Thủ đô trong đội hình bộ đội Trường Sơn: “Các đồng chí đã góp phần quan trọng vào chiến công oanh liệt của bộ đội Trường Sơn trên con đường huyền thoại mang tên Bác- “Đường Hồ Chí Minh”.

Bãi Nai (Kỳ Sơn, Hòa Bình)- nơi phần lớn các tiểu đoàn Quân tăng cường Thủ đô huấn luyện trước khi vào miền Nam chiến đấu..

Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: “Bản thân tôi là một người lính, nhập ngũ từ năm 1950, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thời gian đầu Xuân Mậu Thân 1968, đơn vị tôi chỉ huy đã được bổ sung các chiến sĩ Tiểu đoàn 2, đơn vị đầu tiên của Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội. Sau đó, chúng tôi còn tiếp nhận nhiều đợt bổ sung Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội và Hà Tây (cũ), cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975”.

Trong 8 năm (1967-1974), quân và dân Thủ đô Hà Nội không những tham gia phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, mà còn góp phần cùng miền Bắc hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của hậu phương chiến lược đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Lực lượng quân tăng cường Thủ đô chi viện cho chiến trường, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ được tặng huân, huy chương các loại, trong đó có 14 anh hùng LLVT nhân dân; 1.781 dũng sĩ diệt Mỹ, diệt cơ giới, 14.846 huân chương chiến công các loại. Nhưng hơn 11.000 đồng chí đã hy sinh. Con số thống kê trên đã minh chứng sự cống hiến của quân tăng cường Thủ đô như thế nào cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hữu Thu


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 15
Tháng 05 : 862
Năm 2024 : 8.563