A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Hạ máy bay địch bằng bóng khinh khí

Bức tranh đen trắng vẽ cảnh du kích xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức thả bóng khinh khí hạ máy bay RF.101 của không quân Mỹ ngày 4/11/1966 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B.52 đã khiến nhiều du khách tò mò khi đến tham quan. Tại sao những quả bóng khinh khí trông như những quả bóng bay khổng lồ đang lơ lửng trên trời kia lại có thể hạ được máy bay địch? Đó là một câu chuyện thú vị!

Khi máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, để tránh radar của ta phát hiện, chúng chuyển bay đêm và bay thấp, có lúc cách mặt nước sông Hồng chỉ 50m rồi bất ngờ nâng độ cao thả bom. Như thế radar của ta không thể phát hiện được và các loại pháo cũng không thể chống trả. Trước tình hình đó, một số đơn vị của Lữ đoàn Dù 305 đã sáng tạo phương thức đánh máy bay địch bằng bóng khinh khí.

Đại tá Dương Tuấn Kiệt, Đội trưởng Đội khinh khí cầu của Lữ đoàn đã áp dụng kinh nghiệm của Liên Xô khi dùng khinh khí cầu đánh máy bay bay thấp của phát xít Đức để không quân và pháo cao xạ tiêu diệt, đề xuất dùng áo mưa nilon loại dày để sản xuất bóng khinh khí. Bộ Công nghiệp nhẹ được giao nhiệm vụ sản xuất gấp hàng loạt loại bóng đặc biệt này. Quả lớn nhất có đường kính hơn 1 sải tay, có khả năng kéo được 4kg trên không. Ông Kiệt còn tính toán để bóng có thể lên cao 400m, đoạn dưới kéo bằng dây cước, đoạn trên bằng dây thép để máy bay vướng vào nhất định bị rơi.

Từ khi có ý tưởng, chỉ sau 3 tháng trận địa bóng khinh khí đã được triển khai ở các nơi máy bay Mỹ bay thấp như cửa sông, cửa biển hoặc chặn ngay từ những hướng đánh vào Hải Phòng, Uông Bí…Mỗi bãi thả 200-300 quả, bóng màu xanh da trời để địch không phát hiện, 2 xe điều chế khí hydro được chế tạo để chuyên bơm bóng. Dân quân địa phương, chủ yếu là nữ được huy động phối hợp với bộ đội dù thực hiện nhiệm vụ này. Tuy vất vả nhưng hiệu quả, tháng 1/1967, một máy bay địch vướng dây thép neo bóng rơi ở Bát Tràng, phi công Mỹ không kịp nhảy dù.

Cán bộ kỹ thuật dù Bùi Duy Trinh của Lữ đoàn còn nghĩ ra cánh đánh bằng khinh khí cầu gắn mìn định hướng. Viện Khoa học-Kỹ thuật quân sự có nhiệm vụ chế tạo khinh khí cầu loại nhỏ còn cán bộ, chiến sĩ công binh dù gấp rút nghiên cứu chế tạo mìn phù hợp để kích nổ ở độ cao 1.000m, các mảnh vỡ mìn văng cao lên thêm 700m. Bằng cách này đã hạ 3 máy bay địch và nhiều tốp, các máy bay khác khi phát hiện lưới khinh khí cầu đã quay đầu vì nếu liều lĩnh chui vào có thể vướng mìn, còn nâng tầm thì gặp tên lửa và pháo cao xạ của ta.

Tại Hà Tây (cũ), với tinh thần “Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ”, chỉ trong các ngày 19/7 và 17/8/1966, LLVT tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực hạ 3 máy bay Mỹ. Đặc biệt, ngày 4/11/1966 bằng chiến thuật phục kích “lưới trời” kết hợp bóng khinh khí, dân quân xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức đã thiêu cháy chiếc máy bay RF.101 và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai.

TRÚC ANH


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 979 trong 197 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 42
Tháng 04 : 2.232
Năm 2024 : 7.312