Kỷ vật của một người lính
Khi tham quan khu trưng bày kỷ vật, Trung tá QNCN Phạm Thị Hoàng Vân, nhân viên Bảo tàng Chiến thắng B.52, giới thiệu với chúng tôi về bộ quân phục của liệt sĩ Lê Đình Chinh, chiến sĩ, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân (tiền thân của Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ngày nay).
Với giọng nói ấm áp, truyền cảm, lúc trầm, lúc bổng, lúc hào hùng như thúc dục, gợi cho chúng tôi nhớ về người chiến sĩ kiên trung, dũng cảm, quên mình vì Tổ quốc: Lê Đình Chinh, sinh năm 1960 quê ở xã Hoàng Quang, huyện Hoàng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, anh sinh ra trong gia đình có đông anh em. Chinh là con cả trong nhà, nên ngoài việc đi học, anh còn phải giúp bố mẹ chăm sóc các em. Khi đang là học sinh giỏi toàn diện của Trường cấp 2 xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, Chinh đã xin phép bố mẹ xung phong đi bộ đội khi mới tròn 15 tuổi. Ngày 16/2/1975, Lê Đình Chinh theo lệnh gọi hăng hái lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, anh được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh Công an vũ trang nhân dân (nay là Trung đoàn 692, Sư đoàn bộ binh 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Đơn vị của Lê Đình Chinh được điều động vào chiến trường Tây Nam chiến đấu chống quân Pol Pot xâm phạm biên giới. Tại đây, anh cùng với đồng đội đã tham gia nhiều trận chiến đánh, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong một trận đánh, anh đã bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Lành vết thương, Lê Đình Chinh xin trở lại đơn vị cũ tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1978, đơn vị của Chinh được điều động bí mật lên Lạng Sơn, bảo vệ biên giới phía Bắc. Thời gian đó, tình hình biên giới Việt – Trung ngày càng trở nên phức tạp.
Trong đoàn quân tiến lên biên giới bảo vệ Tổ quốc năm ấy có những chàng trai của Trung đoàn 12 (còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên), đơn vị tiền thân của Trung đoàn 692, Sư đoàn bộ binh 301 được tăng cường lực lượng đến đồi Pù Tèo Hào để bảo vệ đoàn liên ngành của tỉnh Cao Lạng tới động viên bà con người Việt gốc Hoa trở về nơi ở cũ, rời khỏi khu vực biên giới. Trong khi đoàn liên ngành đang làm nhiệm vụ thì bọn côn đồ từ bên kia biên giới tràn sang hành hung cán bộ của ta. Trước hành động bạo ngược đó, Lê Đình Chinh cùng đồng đội đã anh dũng chống trả, bảo vệ đồng bào mình. Trong lúc lính Trung quốc đang hành hung hai chị cán bộ của ta. Chinh thoáng mắt ước lượng sức mình không đắn đo, anh xoay người lách giữa hai cột lán phóng thẳng vào đội hình quân địch. Động tác nhanh như sóc anh nhanh chóng hạ gục mấy tên lính Trung Quốc chỉ trong nháy mắt. Chinh nhanh chóng giải vây và cứu được một nữ cán bộ tên Thuận đang ngất xỉu. Bàn giao nữ cán bộ cho y tá song, Chinh tiếp tục xông lên. Lúc này trên đỉnh đồi, quân địch đang ùa sang rất đông. Anh cùng đồng đội xông lên đánh bọn côn đồ định cắt đường cho anh em ta. Chinh vừa nhô đầu ra khỏi lán thì bị địch đáp một hòn đá to sắc cạnh trúng vào chán máu ứa ra, khiến anh choáng váng loạng choạng. Lấy lại bình tĩnh, anh giơ tay lên vuốt mặt khiến bàn tay anh đẫm máu. Chinh tiếp tục chiến đấu với quân địch. Chiếc dùi sắt trong tay anh vung lên, hai tên côn đồ bị đánh gạt ra. đang dồn sức chiến đấu, Chinh thấy cả thân hình anh bỗng khựng lại. Bốn tên địch nấp trong chiếc lán sập bất ngờ vụt ngang một gậy vào ống chân anh. Chinh lặng người đi, bước chân loạng choạng người bổ nhào về phía trước. Thấy Chinh ngã, lũ côn đồ ập tới... Anh ngã xuống giữa vòng vây quân thù vào lúc 9 giờ 20 phút ngày 25/8/1978 nơi địa đầu Tổ quốc. Đến 18 giờ, đài tiếng nói phát bản tin chiến sĩ tên Lê Đình Chinh đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đồng bào. Năm ấy, anh vừa 18 tuổi... Lê Đình Chinh là người lính đầu tiên hy sinh ở biên giới phía Bắc trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược giai đoạn đó. Ngày 30/8/1978, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Đình Chinh.
Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tên anh đã vinh dự được nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam đặt tên đường, trường học, nông trường... Sự hy sinh anh dũng của Lê Đình Chinh đã trở thành biểu tượng cao cả của lớp lớp tuổi trẻ Việt Nam sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc.
Noi theo gương anh, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý đó quyết tâm rèn luyện, xông pha vào những nơi khó khăn gian khổ, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ, góp phần tô thêm ánh hào quang vào trang sử vẻ vang của dân tộc.
Trần Đông