A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Người chiến sĩ quyết tử giữ chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân năm 1946

Trước cách mạng, nhà Đỗ Văn Thìn ở 68 phố Hàng Nâu. Lúc nhỏ anh rất chăm học, thông minh. Sau khi thi đỗ Cerifica loại ưu, vốn là người con hiếu thảo, thương cha mẹ già yếu, anh đã thôi học đi làm tại bến xe ô tô Bến Nứa kiếm sống giúp đỡ gia đình.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bến xe tổ chức đội tự vệ công nhân, anh là đội viên sao vuông “áo xanh” được anh em mến phục. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, 2 giờ sáng 22/12/1946, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đồng Xuân Đỗ Tần điều trung đội công nhân bến xe về giữ chợ Đồng Xuân. Anh Tần giao nhiệm vụ: “…Chợ Đồng Xuân là điểm quan trọng, các đồng chí sống chết giữ cho bằng được. Phải tổ chức thành một trận địa vững chắc…”

Đêm 6/1/1947, Thành Trường bàn với Tiểu đội phó:

- Anh Vinh “đốp” ạ! Chào mừng ngày thành lập Trung đoàn Thủ đô tôi có ý định tổ  chức tập kích nhà Lục Lộ để cho chúng biết tay. Anh xin ý kiến lãnh đạo nhé!

- Đúng, nó là cái gai nhức nhối “luôn nhòm ngó” vào chợ của ta. Kế hoạch anh thế nào?

- Ta phân công bốn người. Đỗ Văn Thìn sẽ trèo cột đèn trước cổng ném lựu đạn, bắn tiểu liên diệt địch trong nhà Lục Lộ. Tôi, Khang, Thọ bắn sten yểm trợ và tiếp tục nhả đạn khi địch nhô ra.

Kế hoạch thực hiện, Thìn hoàn thành xuất sắc, nhưng anh bị địch bắn ngã từ cột đèn xuống, kèm theo lựu đạn địch quăng ra nổ gần người, anh em phải đưa anh về quân y cấp cứu. Anh bị ngất, người dính đầy máu. Khi xem vết thương, chị Lan y tá băn khoăn nói với bác sĩ Thuận: Thuốc gây mê chúng ta vừa hết mà anh Thìn còn nhiều mảnh lựu đạn găm vào người, mổ sẽ rất đau đớn.

Cũng lúc đó Thìn chợt tỉnh nghe thấy nói ngay:

- Hết thuốc mê tôi chịu đựng được, xin bác sĩ cứ làm.

Chị Lan y tế kể lại: Lúc bác sĩ Thuận, Trưởng ban Quân y mổ cho anh Thìn , tôi thấy bàn tay anh run quá. Phải nói rạch thịt ra mới đúng, người anh còn lại hơn chục mảnh lựu đạn, tôi vừa theo dõi, vừa nhìn anh Thìn nghiến rang chịu đựng. Thương anh quá, nước mắt tôi chảy tràn khăn bịt miệng. Khi lấy hết các mảnh lựu đạn, anh Thìn lại ngất tiếp. Thế mà ít hôm sau…anh đã về giữ chợ Đồng Xuân.

Tờ mờ sáng 14/2/1947, địch dùng không quân , pháo binh, pháo ở tàu hải quân trên sông hồng, xe tăng, thiếp giáp với hơn 400 lính lê dương mũ đỏ tấn công toàn khu Đồng Xuân. Đỗ Văn Thìn được phân công giữ ụ súng số 2 ngăn địch từ chùa Huyền Thiên đánh sang. Thìn đã cùng đồng đội hoàn thiện xuất sắc nhiệm vụ giữ vững trận địa. 8 giờ sáng kết thúc đợt 1, địch chưa lọt được vào chợ.

Đợt 2, địch tập trung nhiều quân, dùng xe tăng húc đổ cổng sắt phụ phía Hàng Khoai vào chợ. Chiến sĩ giữ chợ mọi ngóc ngách đường hào, chìm, nổi thuộc như lòng bàn tay, nên vừa đánh, vửa nhử địch vào sâu bên trong để “chơi ú tim” và “tiếp đón tận tình”. Khi địch mò tới “tiểu đội bộ”, Thìn phát hiện thấy Tiểu đội trưởng Thành Trường (mới thay thế Vinh “đốp” bị thương) đang nằm ở tư thế bất lợi quần nhau với tên lính mũ đỏ trên phản thịt. Tuy Thìn đang bị thương, anh vẫn bò tới dùng báng súng đánh vào đầu gối tên địch khuỵu xuống, Thìn cùng Thành Trường đâm tiếp. Do Thìn đứng dậy bị lộ mục tiêu, tên địch phía sau lưng đã bắn anh một băng tiểu liên, Thìn ngã gục. Thành Trường phát hiện bắn hạ tên địch rồi hô: “Toàn tiểu đội xung phong”…địch phải lùi dần rút khỏi chợ, kết thúc đợt 2.

Để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã dựng một bức phù điêu kỷ niệm trận đánh ngày 14/02/1947 tại chợ Đồng Xuân. UBND phường Đồng Xuân đã làm nhà bia liệt sĩ tại chùa Huyền Thiên. Tên liệt sĩ Vũ Văn Thìn đã được khắc trên bia đá cùng đồng đội. Hy sinh khi 19 tuổi, anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân thực hiện lời thề: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

                                                                                         Theo Đại tá VŨ TÂM

                                                                                  (Nguyên tự vệ khu Đồng Xuân)


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 225 trong 45 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 47
Tháng 04 : 2.049
Năm 2024 : 7.129