A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhà cách mạng Ngô Gia Tự

Chỉ là qua bức ảnh chân dung đen trắng được trưng bày trong Bảo tàng Chiến thắng B.52 nhưng khách tham quan nào cũng nhận ra đôi mắt sáng, kiên định, vầng trán cao thông minh và khuôn mặt vuông chữ điền của đồng chí Ngô Gia Tự, một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng.

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908 trong một gia đình nhà Nho tại làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Xứ Kinh Bắc (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Kế thừa truyền thống gia đình, quê hương, ngay từ nhỏ Ngô Gia Tự đã nổi tiếng ham học và học giỏi. Ngô Gia Tự đã sớm hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925); đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926), bị Giám đốc trường Bưởi đuổi học vì “tội” chống lại chính phủ “bảo hộ”. Mặc dù chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp, song Ngô Gia Tự không hề băn khoăn, luyến tiếc, anh trở về quê mở lớp dạy học cho con em trong làng với mục đích tập hợp thanh, thiếu niên để tuyên truyền, giác ngộ tinh thần đấu tranh, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1927, sau khi hoàn thành lớp huấn huyện ở Quảng Châu (Trung Quốc) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức, Ngô Gia Tự về Bắc Ninh tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Năm 1928, trên cương vị Bí thư tỉnh Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Ninh - Bắc Giang, đồng chí Ngô Gia Tự đã đề xuất chủ trương “Vô sản hóa”, đưa cán bộ của Hội vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để cùng ăn, cùng ở, cùng làm, để tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong giai cấp công nhân. Tháng 3 năm 1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội, đồng chí Ngô Gia Tự cùng những thanh niên tiên tiến trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc kỳ đã thành lập ra chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước. Cuối tháng 7 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự về Bắc Ninh thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang.

Thực hiện sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng, cuối tháng 8/1929, Ngô Gia Tự đã vào Nam Kỳ để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Bằng những  hoạt động tích cực cùng các đồng chí trong Đông Dương Cộng sản Đảng, phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều cơ sở cách mạng đã được xây dựng trong các nhà máy, đồn điền, bến tàu...Trong lúc phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đang phát triển rầm rộ, đêm 31/5/1930, tại một cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè, Sài Gòn đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám bắt.

Trong nhà tù đế quốc, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng kẻ thù không thể khuất phục được ý chí sắt đá và lòng trung thành của Ngô Gia Tự đối với Đảng và cách mạng. Ngô Gia Tự đặc biệt coi trọng việc giáo dục lý luận chính trị, để có tài liệu học tập, đồng chí cùng một số đồng chí khác nghiên cứu, dịch các tác phẩm kinh điển chủ nghĩa Mác - Lê nin từ tiếng Pháp sang tiếng Việt; thường xuyên động viên anh em: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thời giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được. Người cộng sản phải bảo vệ Đảng, ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hy sinh”. Đầu năm 1935, trên đường vượt biển trở về đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết”. Ngô Gia Tự là tấm gương sáng ngời về đạo đức và phẩm chất của người cách mạng, là tấm gương cao đẹp của người Cộng sản đối với mọi thế hệ người Việt Nam nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ.

 

TRÚC ANH (tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 140 trong 28 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 45
Tháng 03 : 1.975
Năm 2024 : 4.909