Hệ thống lưới lửa tầm thấp trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52
Khi đến với Bảo tàng Chiến thắng B-52 khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật phong phú và đa dạng: Xác các máy bay B-52, máy bay MIG 21, tên lửa SAM 2…Đặc biệt là hệ thống lưới lửa tầm thấp (pháo cao xạ 100mm, 57mm, 37mm, súng máy phòng không 14,5mm, 12,7mm …) đã phối hợp với lưới lửa phòng không quốc gia làm nên chiến thắng “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”. Tiêu biểu trong số đó là hệ thống lưới lửa tầm thấp: Pháo cao xạ 37mm của lực lượng tự vệ quận Ba Đình, pháo cao xạ 100mm của tự vệ Đống Đa, Súng máy phòng không 14,5mm của tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển, Súng máy phòng không 12,7mm của dân quân xã Trâu Quỳ. Những hiện vật này đang được trưng bày khu ngoài trời tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 chứng minh cho cả thế giới thấy rằng công nghệ hiện đại của quân đội hùng mạnh nhất vẫn có thể thất bại thảm hại trước lòng quyết tâm và thế trận phòng không sáng tạo, rất Việt Nam và sử dụng tối đa khả năng của mọi vũ khí có trong tay.
Hệ thống súng, pháo phòng không quân dân Thủ đô Hà Nội sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ.
Pháo cao xạ 100mm của tự vệ Đống Đa
Khẩu Pháo cao xạ 100mm KS19 có trọng lượng 8,6 tấn; độ dài khoảng 10m; độ rộng 2,45m thu hút sự chú ý của du khách bởi kết cấu hoành tráng và dòng chú thích: “Tự vệ khu phố Đống Đa sử dụng tham gia chiến đấu bắn rơi một máy bay F8A của Mỹ ngày 11/9/1972 bằng 14 viên đạn”.
Pháo cao xạ 100mm KS19 chế tạo từ năm 1949 để bắn máy bay ném bom tầm cao, có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên không ở tầm bắn hiệu quả 13.700m, tối đa là 15.000m. Cuối năm 1964 Liên Xô trang bị cho ta và được quân dân ta sử dụng hiệu quả trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ ngày 9/5/1972, tập đoàn Nixon tăng cường chiến tranh, tiến hành chiến dịch Linebacker I. Ngoài việc duy trì các hoạt động nhỏ lẻ ban ngày và ban đêm săn đuổi bắn phá các đoàn tàu, trận địa tên lửa của ta…dần dần chúng tổ chức những trận đánh lớn thọc sâu vào Thành phố. Ngày 2/9/1972, hơn 40 lượt máy bay bắn phá sân bay Nội Bài và khu vực Đông Anh. Ngày 10/9/1972, 50 lượt máy bay đánh phá cầu Long Biên, sân bay Gia Lâm và nhiều nơi khác. Nhận định tình hình địch sẽ càng đánh sâu hơn vào nội thành, ngày 1/10/1972, đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính Thành phố Hà Nội và một số đồng chí lãnh đạo đã kịp thời đến từng địa bàn, cơ sở để động viên anh em chuẩn bị tư thế SSCĐ đối phó với máy bay địch. Trong dịp này, đồng chí Trần Duy Hưng đến quận Đống Đa gặp gỡ, thăm hỏi, động viên lực lượng dân quân tự vệ của quận. Đồng chí Bùi Huy Trường, Đại đội trưởng Đại đội Pháo cao xạ 100mm đã thay mặt anh em hứa sẽ đoàn kết, dũng cảm chiến đấu để bắn rơi nhiều máy bay địch. Chỉ 10 ngày sau, lời hứa đã được thực hiện. Trưa ngày 11/10/1972, khi máy bay địch từng tốp bắn phá trung tâm Thành phố, trận địa Pháo cao xạ 100mm của tự vệ khu phố Đống Đa đã kịp thời nổ súng bắn tan xác một máy bay F8A của không quân Mỹ chỉ bằng 14 viên đạn. Chiến công này làm nức lòng nhân dân phu phố, được cấp trên khen ngợi và là niềm tự hào của lực lượng pháo tầm cao đồng thời góp phần vào thành tích chung của Thủ đô bắn rơi 63 máy bay kể từ khi Nixon phát động trở lại cuộc chiến tranh, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Pháo cao xạ 37 mm của lực lượng tự vệ quận Ba Đình
“Chúng ta là đội tự vệ pháo Ba Đình. Tạm biệt nhà máy ra nơi trận địa. Dù ngày nắng đêm mưa, dù muôn vàn gian khổ, ta vẫn đứng hiên ngang nơi đây trên trận địa pháo anh hùng" (Tự vệ pháo Ba Đình, nhạc sĩ Hồ Bắc).
“…Nào bạn ơi quay tầm pháo lên cao hơn. Cùng khắc ghi từng lời Bác dặn. Hai mươi viên hạ một máy bay. Người đang vạch đường cho đạn ta bay lên..." (Pháo ta bảo vệ Ba Đình, nhạc sĩ Văn An).
Thật là thú vị khi chỉ cần ráp nối những câu đầu tiên của hai bài hát mang âm hưởng hào hùng viết riêng cho đội tự vệ pháo Ba Đình là đã có thể cảm nhận được trọn vẹn tinh thần chiến đấu anh dũng của lực lượng này trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ. Khẩu Pháo cao xạ 37mm (1 nòng) đã từng được tự vệ Ba Đình sử dụng liên tục đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ bầu trời Hà Nội, nhất là trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, góp phần bắn rơi 1 máy bay F4 của địch vào 20/12/1972.
Trung ương Đảng và Bác Hồ nhận định, thể nào đế quốc Mỹ cũng leo thang đánh phá miền Bắc: “... Mỹ nhất định sẽ thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Vì vậy, Đảng đã tập trung lãnh đạo nhân dân cả nước nói chung và quân đội nói riêng chuẩn bị đầy đủ về phương tiện, kỹ thuật, vũ khí, khí tài để đánh trả cuộc bắn phá bằng máy bay của đế quốc Mỹ. Từ đó, bên cạnh việc tăng cường, củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng phòng không quốc gia, lực lượng dân quân tự vệ cũng được phát triển cả về số lượng và khả năng chiến đấu. Tự vệ Ba Đình là những người con của Hà Nội, vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa “chắc tay máy” vừa “chắc tay súng” đã vững vàng chiến đấu trên các trận địa pháo, là một phần của lưới lửa phòng không Hà Nội khiến nhiều máy bay tối tân của địch “mắc cạn”, bảo vệ an toàn các mục tiêu trọng yếu của Thủ đô.
Pháo cao xạ 37mm nặng 2.400kg, có thể tiêu diệt mục tiêu cả trên không và mặt đất. Tầm bắn xa nhất 8.500m, tầm cao hiệu quả dưới 3.000m, cự ly hiệu quả dưới 3.500m, tốc độ bắn 160-180 viên đạn/phút. Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không, Quân khu Thủ đô đã trưng bày khẩu pháo này tại Công viên Lê-nin. Đến tháng 10/1997, hiện vật được chuyển về trưng bày tại khu vực trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Chiến thắng B-52.
Súng máy phòng không 14,5mm của tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển
Súng máy phòng không 14,5mm loại 2 nòng (số 130101) do Trung Quốc sản xuất năm 1958 đã góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” bởi sự kiện: Tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển bắn rơi 1 máy bay F.4 “con ma” của Không quân Mỹ bằng 24 viên đạn vào hồi 8 giờ 55 phút ngày 27/6/1972.
Để thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là trực tiếp sản xuất và SSCĐ bảo vệ bầu trời Hà Nội khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, lực lượng tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển được thành lập từ năm 1965, biên chế thành 1 đại đội SSCĐ bằng súng bộ binh với 3 khẩu đội trong 1 trận địa súng máy 14,5mm có nhiệm vụ bắn máy bay bay thấp. Súng máy phòng không 14,5mm loại 2 nòng, nặng khoảng 750kg, có tốc độ bắn 1.000-2.000 viên đạn/phút, tầm bắn xa nhất là 8.000m, cự ly hiệu quả dưới 1.500m.
Tháng 4/1972, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện kế hoạch Linebacker II. Cuối tháng 6/1972, những trận đánh ác liệt lại tiếp diễn ở phía Bắc và Nam Hà Nội. Từ 8 giờ sáng ngày 26-27/6, hàng chục tốp máy bay Mỹ lần lượt tấn công, ném bom các địa điểm: Sân bay Bạch Mai, Trương Định, khu công nghiệp Thượng Đình, Văn Điển, Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Viên…và nhiều nơi khác. Hàng trăm trận địa cao xạ của quân chủ lực và dân quân tự vệ Thủ đô đã nổ súng đánh trả dữ dội khiến máy bay địch phải giãn đội hình và nâng độ cao, ném bom không trúng mục tiêu. Trong khi đó, 5 Tiểu đoàn Tên lửa của Sư đoàn Phòng không 361 phát huy hiệu quả, đánh địch tầm cao. Đặc biệt, lúc 9 giờ 15 phút ngày 26/6, Tiểu đoàn 57 Tên lửa từ thành Cổ Loa đã hạ tại chỗ 1 máy bay F.4E (chiếc máy bay Mỹ thứ 3.700 bị hạ trên bầu trời miền Bắc), phi công bị bắt sống. Tiếp theo, Tiểu đoàn 59 Tên lửa bắn rơi 1 máy bay F.4E khác, giặc lái bị bắt sống ở Hòa Bình.
Bị bắn rơi ở tầm cao, địch thay đổi thủ đoạn, bất ngờ hạ độ cao thọc sâu vào nội thành. 8 giờ 55 phút ngày 27/6/1972, phát hiện máy bay địch, trận địa súng máy phòng không 14,5mm của tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển bố trí tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì do Trung đội trưởng Vũ Sự chỉ huy đã kịp thời nổ súng, bằng 24 viên đạn đã bắn tan xác 1 “con ma” F.4 của Mỹ, rơi xuống phía Đông Thành phố.
Máy bay F.4 Phantom II được mệnh danh là “con ma” bởi nó là máy bay tiêm kích hiện đại nhất thời đó của Không quân Mỹ, tổ lái 2 người, tầm bay 2.600km, vận tốc tối đa 2.350km/h, có thể mang 7 tấn bom. F.4 có nhiệm vụ yểm trợ cho B.52 và đánh phá các trận địa tên lửa, pháo phòng không của ta nhưng trớ trêu thay, “con ma” này cũng bị “biến thành ma” nhiều nhất với 445 chiếc bị quân loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó 392 chiếc bị bắn hạ, còn lại trục trặc kỹ thuật, hư hỏng không thể sử dụng. Trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, tiêm kích F.4 cũng là máy bay bị bắn hạ nhiều nhất trên bầu trời Thủ đô.
Súng máy phòng không 12,7mm của dân quân xã Trâu Quỳ
Súng máy phòng không 12,7mm của dân quân xã Trâu Quỳ
Một khẩu súng máy phòng không 12,7mm được chú thích "Dân quân du kích xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm sử dụng bắn rơi tại chỗ máy bay F105D của Mỹ ngày 21/8/1967" khiến khá nhiều du khách ngạc nhiên khi tham quan Bảo tàng Chiến thắng B52 bởi khẩu súng trông khá nhỏ. Nhưng mảnh xác máy bay F105D còn nguyên tem đặt ngay cạnh đã chứng minh điều đó là sự thật lực lượng dân quân của ta đã làm được những điều khó tin lên trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Đầu thế kỷ XIX, thị trấn Trâu Quỳ là một vùng lau sậy, cỏ mọc kéo dài đến tận Bãi Sậy (Hưng Yên). Khi thực dân Pháp thực hiện kế hoạch khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ nhất, tư sản Pháp đã cướp đất và lập vùng đồn điền Mác-Ty ở đây. Trước Cách mạng Tháng Tám, đây là nơi nuôi giấu cán bộ và các chiến sĩ cách mạng kiên trung. Trong kháng chiến chống Pháp, với sự can trường và dũng cảm, không ngại gian khổ, người dân Trâu Quỳ đã góp phần làm nên những trận “sấm dậy đường 5” khiến giặc kinh hoàng bạt vía. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người dân nơi đây được đẩy lên đỉnh cao, hàng trăm con em của Trâu Quỳ đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu trên các chiến trường, ở hậu phương vừa sản xuất vừa chiến đấu. Lực lượng dân quân dân tự vệ huyện Gia Lâm thời kỳ đó đã thành lập 24 trận địa súng máy phòng không và cao xạ, 1.140 tổ bắn máy bay. Đặc biệt, đơn vị súng máy phòng không 12,7mm của xã Trâu Quỳ đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F105D ngày 21/8/1967 và bắn cháy một máy bay F105D khác, mở đầu cho phong trào dân quân tự vệ các tỉnh phía Bắc bắn máy bay Mỹ bằng vũ khí hiện có. Máy bay F105 được Mỹ mệnh danh là “Thần sấm” là lực lượng chủ yếu tấn công bầu trời miền Bắc với trang bị pháo, tên lửa và bom, chúng được giao những mục tiêu trọng yếu của ta như kho xăng Đức Giang, nhà máy gang thép, cầu bắc qua sông Hồng, sân bay Cát Bi...nhưng những trận không kích ác liệt của F105 không thể bẻ gãy được ý chí của quân dân ta. Tại Hà Nội, một hệ thống phòng không dày đặc chưa từng có đã được thiết lập và bắn hạ gần 400 chiếc F105. Trong đó có 17 máy bay bị tên lửa phòng không bắn hạ, 11 chiếc là nạn nhân của tiêm kích MIG, số còn lại do hỏa lực của pháo phòng không, trong đó có dân quân xã Trâu Quỳ. Với những đóng góp và thành tích nổi bật trong các cuộc kháng chiến, nhân dân xã Trâu Quỳ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Bốn hiện vật: Pháo cao xạ 37 mm của lực lượng tự vệ quận Ba Đình, pháo cao xạ 100mm của tự vệ Đống Đa, Súng máy phòng không 14,5mm của tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển, Súng máy phòng không 12,7mm của dân quân xã Trâu Quỳ là một trong những hiện vật tiêu biểu của hệ thống lưới lửa tầm thấp được trưng bày trang trọng khu ngoài trời của Bảo tàng Chiến thắng B-52. Khách tham quan trong nước và ngoài nước có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và càng thêm khâm phục thế hệ cha ông đi trước về ý chí, tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí sáng tạo và sức mạnh vượt bậc của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Những chiến công ấy sẽ là động lực để thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi, noi gương, phấn đấu, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Hồng Cẩm