A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

  Thời gian qua, Bảo tàng Chiến thắng B-52, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Phóng viên Báo Quốc phòng Thủ đô có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Bảo tàng về một số hoạt động nổi bật của đơn vị.

Phóng viên: Đồng chí cho biết chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng Chiến thắng B-52?

Thượng tá Nguyễn Văn Quý: Bảo tàng Chiến thắng B-52 được thành lập ngày 06 tháng 11 năm 1986, khánh thành ngày 22/12/1997 và tiếp tục được nâng cấp, cải tạo, hoàn thành tháng 12 năm 2012. Bảo tàng được xây dựng theo kiểu kiến trúc hiện đại, mang biểu tượng của đài chiến thắng vinh quang. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của Bảo tàng đối với việc giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và ý thức bảo vệ Tổ quốc cho toàn dân, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ LLVT và thế hệ trẻ, từ khi khánh thành đến nay, Bảo tàng luôn chú trọng đến công tác trưng bày tại chỗ và tổ chức nhiều triển lãm lưu động theo chuyên đề. Đến nay, Bảo tàng đã sưu tầm, bảo quản và trưng bày một khối lượng lớn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật đặc biệt quý hiếm như: Di vật của các chiến sĩ quyết tử trong 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tháng 12/1946; các vũ khí, khí tài lập công của quân dân Thủ đô trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong 12 ngày đêm tháng 12/1972, khi Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 vào Hà Nội; xác các máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ và trang bị của giặc lái Mỹ bị tiêu diệt và bắt sống ở Hà Nội-những bằng chứng thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ trong bước leo thang tột cùng đánh phá Thủ đô Hà Nội. Đó là nét riêng và ấn tượng độc đáo chỉ có ở Bảo tàng Chiến thắng B-52. Các hiện vật hiện nay đều được kiểm kê, bảo quản đúng quy định.

http://quocphongthudo.vn/upload/2001606/fck/tranhienmy/HAI_4325.JPG

Triển lãm lưu động “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”

tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Phóng viên: Hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Bảo tàng có kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng cụ thể ra sao, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Văn Quý: Chúng tôi đã tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Cụ thể, tiến hành cải tạo, nâng cấp bảo đảm đồng bộ theo hướng chuyên đề để Bảo tàng trở thành địa chỉ văn hóa lưu trữ truyền thống chiến đấu và chiến thắng của LLVT Thủ đô. Trong đó, tập trung cải tạo, kết hợp làm mới 1 phòng trưng bày chuyên đề; cải tạo 2 bức phù điêu ngoài trời, bổ sung hệ thống ảnh trên đai vách, cải tạo phòng sa bàn; làm mới và áp dụng công nghệ 3D mapping để trình chiếu phim tư liệu (có phụ đề tiếng Anh) nhằm giới thiệu khái quát diễn biến chiến dịch trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972.

 Đồng thời, mở rộng bảo ôn kho lưu hiện vật, sắp xếp, bảo quản các hiện vật khối, bảo quản, trị liệu chuyên sâu một số hiện vật giấy, lụa, nhựa để giữ gìn lâu dài; củng cố, xây mới nhiều hạng mục công trình khác…đáp ứng trưng bày một khối lượng hiện vật đồ sộ, phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan.

 Cùng với đó, chủ trì phối hợp tổ chức triển lãm lưu động với chủ đề “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tại các địa điểm: Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Đại học Sư phạm Thể dục-Thể thao Hà Nội); Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Đại học Sư phạm Hà Nội 2); Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Trường THPT Chương Mỹ A, huyện Chương Mỹ; THPT Quảng Oai, THCS Vật Lại, huyện Ba Vì; THPT Yên Lãng, THCS Trưng Vương, huyện Mê Linh; THCS Nguyễn Huy Tưởng, THCS Tiên Dương, THCS Cổ Loa, Trường Tiểu học Uy Nỗ, huyện Đông Anh. Bảo tàng đã xây dựng đề cương trưng bày và đề cương thuyết minh bảo đảm chặt chẽ, sát với chủ đề, nội dung triển lãm. Lựa chọn tư liệu, hiện vật tiêu biểu, kết hợp giải pháp trưng bày bảo đảm tính chân thực, thẩm mỹ nhằm tái hiện một cách sinh động Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” với các nội dung: Phần trưng bày khánh tiết “Hoa và người chiến thắng”; Âm mưu của Mỹ; Hà Nội chiến đấu và chiến thắng; Tội ác của Mỹ và sự trừng phạt; Thế giới ủng hộ và ngợi ca Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”; Hà Nội ngày nay. Triển lãm đã đón tiếp hơn 23.000 lượt khách tham quan gồm đông đảo học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sỹ LLVT và nhân dân, để lại ấn tượng sâu sắc.

http://quocphongthudo.vn/upload/2001606/fck/tranhienmy/HAI_4341.JPG

Giới thiệu những tài liệu hiện vật độc đáo trong "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".

Thời gian tới, Bảo tàng tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với Bảo tàng lịch sử quốc gia, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, Trung tâm Thông tin-Triển lãm Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình tổ chức triển lãm chuyên đề “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Đồng thời, tổ chức phục vụ các buổi gặp mặt, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của cơ sở Hội Cựu chiến binh,  Đoàn Thanh niên, học sinh các nhà trường, cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhiều đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất, kiên cường cách mạng của quân và dân ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.

http://quocphongthudo.vn/upload/2001606/fck/tranhienmy/HAI_4345.JPG

Thế hệ trẻ thích thú khi được tìm hiểu lịch sử qua Triển lãm lưu động.

Phóng viên: Để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước, thời gian tới, Bảo tàng có kiến nghị gì, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Văn Quý: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng B-52 đã góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” qua tư liệu, hiện vật đang trưng bày, lưu giữ. Bảo tàng không chỉ là nơi tham quan, học tập, nghiên cứu của đông đảo du khách trong và ngoài nước, mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến Bảo tàng, tiếp tục đầu tư xây dựng để Bảo tàng ngày càng hiện đại, đa chức năng, hấp dẫn rộng rãi quần chúng. Ngoài việc quan tâm đến công tác sưu tầm hiện vật, đổi mới hình thức trưng bày, đa dạng hóa các hoạt động, cần kết hợp chặt chẽ giữa trưng bày cố định tại Bảo tàng với không gian di tích hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, Ba Đình), nơi xác máy bay B-52 rơi tại chỗ, tạo ra một vùng văn hóa-lịch sử ở trong lòng Thủ đô.

Nhiệm vụ của Bảo tàng Chiến thắng B-52 rất cao quý và nặng nề. Với sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng không ngừng đổi mới về mọi mặt, trưng bày một cách sinh động các hiện vật để mọi người khi đến tham quan có thể hiểu và tự hào hơn về chiến thắng lịch sử “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, làm nên Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Mạnh Quang (thực hiện)

 


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 7
Tháng 04 : 1.641
Năm 2024 : 6.721