A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, niềm tin theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, những đoàn viên, thanh niên thuộc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trên mọi mặt trận; góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ghi nhận những đóng góp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 634/QĐ-CTN ngày 29/4/2021 phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực 

dân Pháp xâm lược. Bảo tàng Chiến thắng B-52 hiện đang trưng bày cuốn sách “Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu” của Nhà xuất bản Lao Động.

                                                       

Cuốn sách “ Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu" được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.

Từ Đội Ngô Quyền - một tổ chức nhỏ bé với vài chục thanh niên, học sinh có tinh thần yêu nước của học sinh trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) khóa 1939-1943, được sự dẫn dắt ban đầu của đồng chí Vũ Quý (tức An), Ban cán sự Đảng Thành phố và đồng chí Lê Quang Đạo - cán bộ Xứ ủy và sau đó là sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Vũ Oanh (Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu) và đồng chí Nguyễn Quyết - Bí thư Thành ủy năm 1945, Đội Ngô Quyền đã nhanh chóng phát triển và trở thành nòng cốt của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đoàn đã trưởng thành mau lẹ và cung cấp nguồn nhân lực cho các tổ chức: Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành, Đội Danh dự trừ gian, Báo Hồn nước…

Thanh niên thành Hoàng Diệu là lực lượng quan trọng tham gia thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong Đội Danh dự trừ gian. Dù ít người (chỉ có 6 đồng chí hoạtđộng độc lập) nhưng đây là đội vũ trang công tác đặc biệt hoạt động với mục tiêu tiêu trừ một số tên Việt gian đầu sỏ nguy hiểm nhất ở Hà Nội, cảnh cáo bọn Việt gian khác nhằm góp phần bảo vệ cơ sở cách mạng và thúc đẩy cao trào chuẩn bị khởi nghĩa ở Hà Nội, vũ trang tuyên truyền khi cần thiết trong những trường hợp đặc biệt thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong quá trình hoạt động, Đội đã tiêu trừ các tên Nguyễn Duy Mỹ, Phán Sinh, Nga Thiên Hương, Trương Anh Thư, diệt một số tên mật thám Sở mật thám thành phố Nam Định. Việc diệt trừ trùm mật thám Bắc kỳ đã làm rung chuyển hàng ngũ Việt gian mật thám, tham gia trực tiếp vào việc cướp chính quyền tại Hà Nội và Nam Định.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh niên thành Hoàng Diệu còn là đội ngũ quan trọng trong vận hành tờ Báo Hồn nước - một tờ báo riêng của thanh niên được thành lập năm 1943, do đồng chí Lê Đức Vân trực tiếp chỉ đạo. Đảm bảo công tác biên tập, in, phát hành báo, in nhiều truyền đơn, các tập sách nhỏ như chương trình Việt Minh, cách đánh du kích …

Họ đồng thời là lực lượng quan trọng trong Đội Thanh niên cứu quốc và tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội, có nhiệm vụ chủ yếu là: Thành lập các nhóm thanh niên tự vệ khu vực ngoại thành; vận động cách mạng, mở rộng phong trào, kết hợp chặt chẽ cuộc đấu tranh ở nội thành và ngoại thành; tuyên truyền, rải truyền đơn tại cổng đình, cổng chùa (chùa Láng, đình Quan Nhân, đình Hạ Yên Quyết, làng Giáp Nhất …), trường học, dán áp phích lên thành xe điện; trấn áp các phần tử phản động, tay sai, viết thư răn đe; tổ chức mít tinh tại các làng Giáp Nhất, làng Sái; hỗ trợ nhân dân Hà Đông đè bẹp sự phản ứng của Nhật; phá kho thóc Nhật ở làng Quan Nhân; chủ động chuẩn bị vũ khí để tự vệ, đánh giặc; tổ chức các lớp học để khởi nghĩa…

Đoàn đã được Thành ủy - Ủy ban nhân dân và Quân khu Thủ đô công nhận là lực lượng vũ trang tiền thân của Quân khu Thủ đô. Sau ngày 19/8/1945, các đồng chí đoàn viên đều tham gia chiến đấu, bảo vệ Thủ đô, nhiều đồng chí tiếp tục tham gia quân đội và đã trưởng thành, nắm giữ những trọng trách quan trọng của Đảng và Quân đội. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập.

 

TRÚC ANH (Tổng hợp)


Nguồn: Báo Quốc phòng Thủ đô
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Hướng dẫn tới bảo tàng
  • Taxi

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Taxi 

  • Xe Bus

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe bus 

  • Xe Máy

    Hướng dẫn tới bảo tàng bằng Xe máy

Thống kê
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 1
Tháng 12 : 1.066
Năm 2024 : 23.629